Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Diêm Liên Khoa thắp ánh sáng từ bóng tối

Diêm Liên Khoa chọn đứng trong bóng tối, đứng về phía những gì bé nhỏ, đáng thương bị cuộc đời ruồng rẫy, lãng quên, để từ đó viết nên những tác phẩm chấn động.

Tác phẩm của Diêm Liên Khoa thường viết về mặt tối của xã hội, nhưng lại hướng con người đến ánh sáng và nhân tính. Có thể nói, ông là người thắp lên ánh sáng từ bóng tối.

Khi nhận giải thưởng văn học Kafka, Diêm Liên Khoa từng tự nhận mình là người “cảm nhận bóng tối do thượng đế và cuộc đời lựa chọn”. Ông chia sẻ câu chuyện về một người mù sống cùng làng với ông, mỗi khi mặt trời ló rạng, người mù đó đều nhìn về phía mặt trời, tự nhủ: “Ánh sáng hóa ra có màu đen!”.

Diem Lien Khoa - Viet tu bong toi anh 1
Nhà văn Diêm Liên Khoa.

Điều đặc biệt là người mù ấy ngay từ khi còn trẻ, đã có mấy chiếc đèn pin, buổi tối đi trên đường luôn cầm trong tay chiếc đèn pin đã bật, trời càng tối, chiếc đèn pin trong tay ông càng dài, ánh sáng cũng càng sáng rõ.

Vì thế, mỗi khi ông bước đi trên đường làng tối đen như mực, người làng sẽ nhìn thấy ông từ rất xa, và không đụng vào ông. Hơn nữa, mỗi khi có người bước qua, người mù còn dùng đèn pin chiếu vào quãng đường phía trước, để mọi người có thể dễ dàng đi tiếp rất xa.

Dùng ánh sáng để chiếu vào bóng tối

Để tưởng nhớ người mù và ánh sáng từ chiếc đèn pin trong tay ông, sau khi ông chết, người ta tặng ông những chiếc đèn đã nạp đầy pin. Trong quan tài của ông, toàn bộ đều là những chiếc đèn pin có thể thắp sáng mà mọi người đem tặng.

Từ người mù này, Diêm Liên Khoa cảm nhận được một loại sáng tác, “đó là nó càng đen tối, thì nó càng ngời sáng, nó càng lạnh lẽo thì lại càng ấm áp. Toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại của nó, chính là để mọi người tránh được sự tồn tại của nó”.

Diêm Liên Khoa và văn của ông chính là người mù bật đèn pin trong bóng tối, bước đi trong bóng đêm, dùng ánh sáng hữu hạn chiếu vào bóng tối, nỗ lực để mọi người nhìn thấy bóng tối để tránh đi.

Trong Con đường của nhà văn (Thuý Hạnh dịch), Diêm Liên Khoa từng viết: “Khi trên bầu trời có một cánh chim đẹp đẽ tự do bay lượn, thì có thể có 10, 20 cho đến cả trăm, cả vô số những con chim bị thương gãy cánh bắt buộc phải đấu tranh để được sống trên mặt đất. Con chim trên bầu trời ca một bài ca hiện thực, đó là sự thực không thể bỏ qua và phủ nhận.

Diem Lien Khoa - Viet tu bong toi anh 2
Tiểu thuyết Kiên ngạnh như thủy.

Nhưng ở mặt đất bên dưới bầu trời kia, cũng có một, có nhiều, có vô số những con chim, phải đấu tranh để sống - đó cũng là hiện thực, là sự thực, là chân thực.

Khi thi nhân lãng mạn chọn lựa ca tụng con chim bay trên bầu trời, thì tôi - chọn là người thứ hai. Tôi lựa chọn là người đứng bên con chim bị gãy cánh”.

Dù là người đứng trong bóng tối hay đứng bên con chim bị gãy cánh, Diêm Liên Khoa cũng cho thấy một triết lý sáng tạo của mình. Đó là đứng trong bóng tối, đứng về phía những gì nhỏ bé đáng thương bị cuộc đời ruồng rẫy lãng quên.

Từ đây, ông viết nên những tác phẩm chấn động lòng người, nhắc nhở chúng ta về một hiện thực khác, một hiện thực đen tối thê thảm, hiện thực khuất lấp của đời sống và lòng người, về thế giới của những tảng đá ngầm bên dưới mặt sông phẳng lặng, về những số phận nhỏ nhoi phải vật lộn để tồn tại, để sống từ những thảm cảnh khốn cùng.

Lột tả những nhức nhối của xã hội với trí tưởng tượng đáng kinh ngạc

Đinh trang mộng viết về một thôn làng khuất sâu trong bình nguyên xa xôi của cổ đạo Hoàng Hà. Ở đó, cuộc sống vốn khốn cùng của người dân giàu lên nhanh chóng nhờ lạm dụng chính sách bán máu để thực hiện những cuộc bán máu phi pháp.

Hệ lụy của nó là bệnh AIDS lan tràn, sự giàu có phồn hoa trôi nhanh như một giấc mộng, và con người ngay lập tức phải đối diện với những bi kịch thê thảm nhất của nhân sinh. Nhưng Diêm Liên Khoa vẫn tìm thấy chất thơ của tình yêu trong những gì đen tối nhất.

Với Kiên ngạnh như thuỷ, Diêm Liên Khoa đã kéo ra một bức màn về một thời kỳ cuồng loạn và hết sức hoang đường. Tác phẩm gây kinh ngạc bởi góc độ tiếp cận khác biệt về một đề tài quen thuộc của Diêm Liên Khoa.

Các nhà văn Trung Quốc khi viết về Cách mạng Văn hoá thường đứng ở phía nạn nhân để tố khổ, ai oán. Nhưng trong Kiên ngạnh như thuỷ, Diêm Liên Khoa đã trần thuật từ góc độ chủ nhân Cách mạng, điểm nhìn trần thuật thay đổi đã đem đến một loạt mới mẻ về chiến lược tự sự. 

Phong nhã tụng mượn hình thức kết cấu của Kinh thi để viết một cách thê thiết về cái nhục và hèn của người trí thức. Nhân vật chính của tác phẩm là Dương Khoa, phó giáo sư của Đại học Thanh Yên, làm đủ mọi cách mua danh, dù chỉ là danh hão. Vì cái danh hão đó, Dương Khoa trượt dài trên con đường tha hóa. 

Diem Lien Khoa - Viet tu bong toi anh 3
Sách Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn.

Tác phẩm phân lập ba mảng không gian, không gian làng thôn gắn với những kỉ niệm thời còn nghèo khổ của Dương Khoa, không gian thành thị với tất cả sự nhốn nháo bệnh hoạn lừa lọc phản trắc và không gian huyền ảo thành cổ Kinh thi từ hơn 2.000 năm trước với giếng Khổng và những bài thơ bị lãng quên.

Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn là truyện vừa xuất bản mới nhất của Diêm Liên Khoa ở Việt Nam. Dựa vào tích cũ truyện xưa, nhưng Kim Liên của Diêm Liên Khoa hoàn toàn khác với Kim Liên dâm đãng lăng loàn trong Kim Bình Mai.

Kim Liên thời mới vẫn là một cô gái trẻ trung xinh đẹp si tình, nhưng dưới ngòi bút Diêm Liên Khoa, Kim Liên trở thành công cụ, vật tế thần cho những mưu đồ quyền lực hết sức vi diệu.

Thật và giả, tình và chí đan xen, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật hết sức tinh tế khiến Diêm Liên Khoa đã hoàn toàn làm mới một hình tượng quen thuộc đã trở thành mẫu gốc trong văn học truyền thống.

So với nhiều nhà văn Trung Quốc khác như Mạc Ngôn, Dư Hoa, Giả Bình Ao, tác phẩm của Diêm Liên Khoa được xuất bản và giới thiệu muộn hơn, nhưng tác phẩm của ông đã và đang chinh phục nhiều tầng lớp độc giả.

Sức hấp dẫn trong tác phẩm của Diêm Liên Khoa nằm ở khả năng xử lý và đi đến tận cùng nhiều vấn đề nhức nhối của lịch sử và hiện thực của Diêm Liên Khoa, sự hài hước thâm thuý và khả năng tưởng tượng văn học đáng kinh ngạc của ông. 

Diêm Liên Khoa, sinh năm 1958 tại tỉnh Hà Nam Trung Quốc có thể coi là nhà văn xuất sắc của văn học Trung Quốc đương đại, có sức ảnh hưởng lớn đến văn học Trung Quốc.

Ông đã viết hơn 10 tiểu thuyết, gần 40 tập truyện ngắn, hơn 22 cuốn tản văn viết riêng và chung với các tác giả.  


Minh Thương

Bạn có thể quan tâm