“Tôi cảm thấy thế nào ư? Giống như thoát khỏi nhà tù vậy. Cuối cùng tôi cũng được đoàn tụ với gia đình. Tôi sẽ về gặp người thân”, anh chia sẻ với BBC sau khi biết tin được tự do hồi cuối tháng 4.
Câu chuyện của Mohammed cho thấy một trong những góc khuất của ngành công nghiệp vận tải biển: Nạn bỏ rơi thủy thủ.
Người giám hộ bất đắc dĩ
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 7/2020, khi tàu MV Aman bị giới chức Ai Cập bắt giữ ở cảng Adabiya, phía nam kênh đào Suez, do giấy chứng nhận của con tàu này hết hạn.
Đáng ra sự việc có thể được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, đơn vị vận hành của con tàu không thể trả tiền xăng dầu. Trong khi đó, chủ sở hữu ở Bahrain cũng gặp vấn đề về tài chính.
Vì thuyền trưởng người Ai Cập đã lên bờ, tòa án Ai Cập tuyên bố Mohammed, thuyền phó thứ nhất, là người giám hộ của con tàu. Do đó, anh không được rời đi.
Tàu MV Aman, nơi Mohammed bị mắc kẹt. Ảnh: BBC. |
Mohammed chỉ biết đến điều khoản này sau nhiều tháng, khi các thuyền viên khác bắt đầu rời tàu.
Trong vòng bốn năm, Mohammed chứng kiến hàng chục nghìn con tàu đi qua kênh đào Suez. Anh nhiều lần nhìn thấy anh trai của mình, cũng là thủy thủ, đi qua kênh đào. Hai anh em chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại khi khoảng cách quá xa.
Năm 2018, Mohammed nhận được tin mẹ qua đời. Đây là quãng thời gian tồi tệ nhất với anh. Sức khỏe của Mohammed ngày càng suy giảm, trong khi tâm lý cũng bị ảnh hưởng.
“Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về việc tự sát”, anh hồi tưởng. “Vào ban đêm, con tàu như một ngôi mộ. Bạn không nhìn thấy gì, cũng như không nghe thấy gì. Cảm giác như ở trong quan tài”, người thủy thủ bất hạnh kể lại quãng đời ở "địa ngục trần gian" của mình.
Tháng 3/2020, một cơn bão đẩy tàu MV Aman khỏi nơi neo đậu. Con tàu bị cuốn đi 8 km và bị mắc cạn cách bờ vài trăm mét.
Đối với Mohammed, đây là dịp may hiếm có. Sau sự kiện này, anh có thể bơi vào bờ vài ngày một lần để mua thực phẩm và sạc điện thoại.
Góc tối ngành vận tải biển
Mohammed không phải là người duy nhất lâm vào tình cảnh bị mắc kẹt trên biển. Số lượng thủy thủ bị bỏ rơi đang ngày càng gia tăng trên quy mô toàn cầu.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có hơn 250 vụ việc như vậy chưa được giải quyết. 85 vụ việc được ghi nhận trong năm 2020, cao gấp đôi so với năm 2019.
Cũng trong Vịnh Suez, một thuyền trưởng người Thổ Nhĩ Kỳ tên Vehbi Kara bị mắc kẹt và bỏ rơi trên tàu MV Kenan Mete từ tháng 6/2020.
Ở cảng Assaluyeh của Iran, 19 thủy thủ, chủ yếu là người Ấn Độ, đã bị mắc kẹt trên tàu kể từ khi bị chủ tàu bỏ rơi tháng 7/2019. Họ đang tuyệt thực nhằm đòi hỏi giải pháp cho tình trạng của mình.
Thủy thủ đoàn tàu Ever Given lo ngại sẽ bị mắc kẹt trên tàu giống như Mohammed. Ảnh: Reuters. |
Theo Lloyd’s List, tình trạng của các thủy thủ “rất nghiêm trọng”, khi gia đình họ đã dần cạn tiền. Bản thân họ đang bị nợ lương từ 12 đến 18 tháng.
Thủy thủ đoàn tàu Ever Given, con tàu đã làm kênh đào Suez bị ách tắc, cũng lo ngại bị rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Chính phủ Ai Cập đòi chủ tàu Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha bồi thường hơn 900 triệu USD vì những thiệt hại gây ra khi tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez. Ai Cập tuyên bố rằng họ sẽ giữ con tàu và thủy thủ đoàn đến khi số tiền bồi thường được chi trả.
“Tôi đã sốc khi lần đầu tiên nghe đến tình trạng này”, ông Andy Bowerman, giám đốc khu vực Trung Đông - Nam Á của tổ chức cứu trợ Sứ mệnh vì Thủy thủ chia sẻ với BBC.
Từ trụ sở ở Dubai, ông Bowerman thường xuyên phải giải quyết các trường hợp thủy thủ bị bỏ rơi và mắc kẹt.
“Chúng tôi đang xử lý một trường hợp mà chủ sở hữu tàu có lượng tiền lớn qua thế chấp tài sản, nhưng họ còn nợ nhiều hơn. Do đó, trong một số trường hợp, cách dễ dàng nhất là khuyên thủy thủ đoàn thả neo và bỏ đi”, ông nói.
"Chủ tàu không hề quan tâm"
Công ty sở hữu tàu MV Aman nói với BBC rằng họ đã cố gắng giúp Mohammed, nhưng bị trói buộc bởi các quy định.
“Chúng tôi không thể yêu cầu tòa án bãi bỏ lệnh trách nhiệm giám hộ của Mohammed đối với con tàu. Chúng tôi đã cố gắng nhưng cũng không thể tìm ai để thay thế anh ta”, đại diện công ty cho biết. Theo họ, Mohammed không nên ký thỏa ước ngay từ đầu.
Theo ông Mohamed Arrachedi, điều phối viên khu vực Arab và Iran của Liên đoàn Công nhân Vận tải Thế giới, người đã phụ trách trường hợp của Mohammed từ tháng 12/2020, đây là thời điểm để mọi cá nhân trong ngành công nghiệp vận tải biển suy nghĩ lại về cách ngăn chặn việc thuyền viên bị lạm dụng.
Mohammed chỉ được lên bờ để mua đồ ăn, thức uống và sạc điện thoại. Ảnh: Guardian. |
“Bi kịch của Mohammed Aisha có thể đã không xảy ra nếu chủ sở hữu tàu và các bên có trách nhiệm khác sắp xếp để anh hồi hương sớm hơn”, ông khẳng định.
May mắn cho Mohammed, một đại diện công đoàn địa phương đã đồng ý đảm nhiệm vai trò người giám hộ tàu thay cho anh. Do đó, anh đã có thể về nhà.
Mohammed cho rằng mình bị dồn vào đường cùng bởi luật pháp Ai Cập, cũng như bị bỏ rơi bởi chủ sở hữu tàu. Không giao tiếp trong nhiều tháng khiến anh suy sụp và cảm thấy bị cô lập.
“Chủ sở hữu tàu biết về những gì tôi phải trải qua”, anh nói. “Họ không có trách nhiệm cũng như đạo đức. Tất cả những gì họ quan tâm là liệu con tàu có thể sinh ra lợi nhuận nữa hay không, chứ không phải là những người trên đó”.
“Họ có thể phải chịu đựng cái chết từ từ và đau đớn mà chủ tàu không hề quan tâm”, Mohammed nói.