Ước tính hơn 400 tàu container mắc kẹt bên ngoài kênh đào Suez khi con tàu khổng lồ Ever Given mắc cạn suốt 6 ngày. Theo Nikkei, dự kiến các tàu tới châu Âu sẽ đồng loạt cập cảng trong tuần này, trong khi các tàu chọn đi vòng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) sẽ đến vài ngày sau đó.
Khoảng 80% hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu bằng tàu biển, hầu hết đi từ châu Á qua kênh đào Suez. Tàu container Ever Given dài 400 m và có trọng tải tới 220.000 tấn, mắc kẹt tại kênh đào Suez trong cuộc hành trình từ Tanjung Pelapas (Malaysia) đến Rotterdam (Hà Lan).
Sự cố xảy ra trong thời điểm hơn 50% lưu lượng tàu thuyền trên thế giới hoạt động chậm hơn dự kiến vì tình trạng thiếu nhân lực, xuất phát từ việc chính phủ các nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19.
Ông Lothar Thoma, Giám đốc hàng không và đường biển tại Gebrueder Weiss (công ty hậu cần Áo), cho biết: “Lĩnh vực vận tải và hậu cần đã trì trệ ngay cả trước khi sự cố của tàu Ever Given xảy ra. Tắc nghẽn container tại các cảng châu Âu sẽ càng làm tình trạng phức tạp hơn, hàng hóa ùn ứ vì không có tàu di chuyển ngược về châu Á".
Hàng loạt tàu container có nguy cơ mắc kẹt ở các cảng châu Âu trong tuần này. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, ông Thoma cho biết cạnh tranh về tàu container trên tuyến châu Á - Bắc Mỹ có thể tăng mạnh khi nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ với hàng hóa châu Á tăng lên trong một vài tuần tới. Hàng triệu người Mỹ sẽ nhận được khoản tiền cứu trợ 1.400 USD thời gian tới.
"Mọi thứ khó trở lại như bình thường trước tháng 2/2022", ông Thoma khẳng định. Ông cũng dự báo giá cước vận tải sẽ tăng vọt bởi tình trạng thiếu hụt tàu container. Mức giá vận chuyển cho tuyến đường Á - Âu từ 7.500 USD/container 40 feet có thể tăng lên đến 10.000 USD/container.
Nhiều cảng tại châu Âu xác nhận đang căng mình chuẩn bị đón làn sóng tàu container. Tại cảng Hamburg, cảng hàng hóa lớn nhất nước Đức, công ty hậu cần Hamburger Hafen und Logistik phải thuê thêm 100.000 m2 không gian chứa container hàng. Các xe tải chở container không được đến sớm hơn 48 giờ trước khi tàu cập cảng để tránh tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn.
Cảng Piraeus ở Hy Lạp bắt đầu xếp dỡ hàng hóa 24/24 để hạn chế ùn tắc. Ông Vassilis Korkidis, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Piraeus, cho biết: "Nhờ cách này, cảng Piraeus sẽ không làm ảnh hưởng đến luồng hàng hóa và gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, hàng tiêu dùng và các sản phẩm nhập khẩu".
Tại châu Á, các hãng vận tải cho biết rất lo ngại tình trạng ùn tắc tại châu Âu sẽ làm gián đoạn dòng chảy thương mại. Ông Li Jianhui, đại diện China Merchants Port Holdings, lo lắng: "Một lượng lớn container của thế giới đang tập trung tại châu Âu".
Ông Li ước tính chỉ cứ 3,5 container chở hàng từ Trung Quốc châu Âu và Mỹ, chỉ có một có thể quay trở lại châu Á trong thời điểm này.