Theo Business Insider, Eslam Negm, 32 tuổi, là một kỹ sư làm việc trên tàu kéo Baraka 1 của Ai Cập. Đội ngũ của anh được điều động đến kênh đào Suez từ ngày 23/3 để tham gia giải cứu siêu tàu Ever Given.
Sau nhiều ngày nỗ lực không ngừng nghỉ, Negm và các đồng nghiệp vẫn không thể khiến con tàu khổng lồ nhúc nhích.
Rạng sáng 29/3, chàng kỹ sư 32 tuổi đứng trên boong tàu, nghĩ về mọi bức ảnh mà cư dân mạng chế ra từ vụ tàu Ever Given mắc kẹt.
“Cả thế giới đang cười nhạo Ai Cập. Họ không biết chúng tôi phải chịu áp lực lớn đến mức nào”, Negm kể lại hôm 31/3, 2 ngày sau khi con tàu được giải cứu.
Một trong những bức ảnh khiến Negm suy nghĩ là hình ảnh con tàu khổng lồ nằm cạnh chiếc máy xúc đơn độc, ngầm ám chỉ rằng mọi nỗ lực giải cứu đều vô vọng. Kích thước quá khổ của Ever Given khiến mọi thứ xung quanh nó đều trở nên vô cùng nhỏ bé.
Kích thước quá khổ của tàu Ever Given khiến mọi thứ đứng cạnh nó đều vô cùng nhỏ bé. Ảnh: Reuters. |
Cư dân mạng Ai Cập chia sẻ rầm rộ những tấm hình chế về tàu Ever Given và không ngừng bàn tán về các phương án giải cứu. Trên Twitter, không khó để bắt gặp những tấm ảnh chế được cắt ghép về siêu tàu đến từ Panama. Đáng nói, nhiều người còn bày tỏ thái độ chê bai, chế giễu lực lượng cứu hộ.
Tới ngày thứ 3 con tàu chắn ngang kênh Suez, hãng vận tải Lloyd's List có trụ sở tại London (Anh) cho biết sự cố đã làm lệch dòng thương mại toàn cầu trị giá 10 tỷ USD mỗi ngày. Con số trên tương đương 400 triệu USD mỗi giờ.
Khoảng 450 tàu thuyền bị ùn ứ từ 2 bên của con kênh. 9,8 triệu thùng dầu bị ách tắc, hàng trăm đầu gia súc có nguy cơ chết đói.
Những lời chế nhạo trên mạng và áp lực lớn từ thiệt hại của sự cố đã khiến các kỹ sư Ai Cập dồn sức giải cứu siêu tàu. Từ ngày 23-25/3, khoảng 10 tàu kéo chuyên dụng đã có mặt tại kênh đào Suez để tham gia giải phóng siêu tàu đến từ Panama. Nhiều tàu nạo vét làm nhiệm vụ hút cát từ bên dưới và bùn bám vào mạn trái tàu.
Tới ngày 26/3, các công nhân đã nạo vét được khoảng 20.000 tấn cát quanh mũi tàu Ever Given. Sáng sớm 28/3, một tàu kéo chuyên dụng mang cờ Hà Lan và một tàu kéo khác đến từ Italy cũng được điều động tới kênh đào Suez để tham gia giải cứu.
"Chúng tôi đều kiệt sức. Có lúc đã tính đến khả năng thất bại nhưng vẫn quyết tâm làm tiếp", Negm kể lại.
Nhiều tàu kéo được điều động đến kênh Suez để giải cứu tàu Ever Given. Ảnh: Bloomberg. |
Rạng sáng ngày 29/3, các kỹ sư reo hò khi thấy con tàu Ever Given dịch chuyển nhẹ. Nỗ lực sau gần một tuần của đội cứu hộ đã được đền đáp khi thủy triều dâng, phần đuôi tàu đã được thả nổi.
Đến 11h cùng ngày, Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez cho biết tàu Ever Given đã thả nổi được khoảng 80%. “Chúng tôi như quên hết mệt nhọc. Cuối cùng thì đã làm được”, Mahmoud Shalaby, người có mặt trong đội cứu hộ, nói.
Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết bước đột phá trong nỗ lực giải cứu tàu Ever Given đến từ việc đội cứu hộ đã giải phóng được 27.000 m3 đất cát bám chặt hai bên mạn tàu. Độ sâu đào vét lên tới hơn 18 m. Tuy nhiên, phần mũi của Ever Given vẫn bị vùi sâu trong cát.
Sau hàng giờ nỗ lực đào xới, tới 15h cùng ngày, tàu Ever Given đã hoàn toàn được giải phóng. Trên trang Twitter, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi lên tiếng ca ngợi các công nhân và đội cứu hộ đã giải phóng thành công con tàu Ever Given, đưa kênh đào Suez khai thông trở lại.
“Bằng mọi nỗ lực không ngừng nghỉ của người Ai Cập, kênh đào Suez đã hoạt động trở lại. Cả thế giới có thể hoàn toàn yên tâm khi đi qua tuyến đường thủy huyết mạch của thế giới”, ông viết.