Theo Wall Street Journal, tính tới sáng 29/3, khoảng 24 tàu container chưa thể tiếp cận cảng Los Angeles và Long Beach (Mỹ) vì cảng hết chỗ. Tổng sức chứa của số tàu trên lớn gấp 10 lần so với Ever Given, con tàu khổng lồ bị mắc cạn tại kênh đào Suez trong gần một tuần, gây xáo động dòng chảy thương mại toàn cầu.
Các tàu vận chuyển hàng chục nghìn container chứa máy giặt, thiết bị y tế, điện tử và nhiều hàng hóa tiêu dùng khác. Thậm chí, có tàu đã chờ đợi suốt 12 ngày nhưng vẫn chưa thể vào cảng.
Tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng biển Mỹ bắt đầu xảy ra vào cuối năm ngoái khi các nhà sản xuất tăng cường đẩy số hàng tồn kho trong dịch Covid-19 ra thị trường.
Cảng Los Angeles và Long Beach là nơi tiếp nhận khoảng 1/3 lượng container hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Hồi tháng 1, hơn 25% số container đến 2 cảng này phải chờ 5 ngày mới được thông quan. Theo Hiệp hội Vận tải Giao thương Thái Bình Dương, con số này vào tháng 6/2020 chỉ là 2%.
Cảng Los Angeles ở bang California (Mỹ). Ảnh: Freight Waves. |
Nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh kể từ mùa hè năm ngoái khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Nước này nhập khẩu khoảng 219,86 tỷ USD hàng hóa vào tháng 1 năm nay, nhiều hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 2, khoảng 177 con tàu lớn với hơn 800.000 container cập cảng Los Angeles và Long Beach. Các con số này lần lượt cao hơn 31% và 49% so với cùng kỳ năm 2020.
“Bình thường, các tàu hiếm khi phải xếp hàng. Con số này tăng đột biến trong nhiều tháng gần đây khi hoạt động giao thương trở nên tấp nập hơn”, Wall Street Journal dẫn lời ông Kip Louttit, CEO hãng vận tải Marine Exchange of Southern California, nhận định.
Theo ông, lượng tàu neo đậu tại điểm bốc dỡ dao động từ 10 đến 20 chiếc trong năm 2019 và năm 2020. Con số này tăng lên 20-30 chiếc từ cuối năm ngoái. “Các cảng Mỹ đang đón số lượng tàu kỷ lục”, ông Louttit bình luận.
“Hệ thống hoạt động tại các bến cảng cũng bị chậm lại vì dịch Covid-19. Nhiều nhân viên bốc dỡ và nhân viên chứng từ phải nghỉ việc vì mắc Covid-19. Điều này đã khiến hoạt động tại các cảng bị đình trệ”, ông giải thích thêm.
Giới quan sát bình luận trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang bị đe dọa bởi hàng loạt rủi ro địa chính trị, cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 và vụ tắc nghẽn tại kênh đào Suez càng thể hiện rõ điều đó. Trong khi đó, lượng tàu lưu thông quá lớn cũng gây khó khăn cho ban quản lý và hệ thống hạ tầng tại các kênh, bến cảng.