Theo National News, bức hình chụp lại cảnh Abdallah Abdelgawad đang điều khiển chiếc máy xúc nhỏ bé đào từng lớp cát để giải cứu tàu Ever Given bị kẹt ngang kênh đào Suez hôm 23/3 đã thu hút sự quan tâm của dư luận Ai Cập trong tuần vừa qua.
Trước khi tàu được giải cứu thành công, tấm hình đã trở thành nguyên liệu để cư dân mạng chế ra các tấm ảnh xung quanh vụ siêu tàu mang cờ Panama bị mắc kẹt.
Chiếc máy xúc trở nên nhỏ bé khi đứng cạnh con tàu Ever Given. Ảnh: Reuters. |
Nhiệm vụ bất khả thi
Abdelgawad, 26 tuổi, là một công nhân lái máy xúc làm việc tại kênh đào Suez, với mức lương khoảng 190 USD mỗi tháng. Vào lúc 7h sáng ngày 23/3 (giờ địa phương), anh bắt đầu ca làm việc như mọi ngày. Tuy nhiên, cánh cổng dẫn vào nơi làm việc đã bị khóa và không ai được phép vào.
"Tôi hỏi bảo vệ và anh ta nói rằng có một con tàu đang kẹt ở kênh", Abdelgawad nói. Sau đó, anh cùng các đồng nghiệp trở lại khu trọ của công nhân tại vùng al-Arbain, cách nơi làm việc khoảng 30 phút lái xe.
Một tiếng sau, Abdelgawad nhận được cuộc gọi từ quản lý, yêu cầu anh nhanh chóng đi tới bờ phía đông của kênh đào Suez. Một chiếc xe của Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) đã chờ sẵn ngoài cửa.
“Tôi bảo với quản lý là tôi không vào được khu làm việc vì hình như có tàu bị kẹt ở kênh. Anh ta nói với tôi rằng tôi sẽ đến đó vì chính con tàu này”, tài xế máy xúc 26 tuổi kể lại.
“Khi đến nơi, tôi nhìn thấy máy xúc đã được chuyển lên xe tải để có thể tiếp cận gần mũi tàu hơn. Đi được hơn 1 cây số thì tim tôi bắt đầu đập mạnh".
“Các kỹ sư của SCA thuật lại sự việc cho tôi. Với kinh nghiệm 8 năm làm việc tại kênh đào, tôi nhận ra rằng có lẽ phải hút hết lớp bùn cát bám bên dưới tàu và đào sâu từ 2 bên mạn tàu do mũi tàu bị vùi sâu xuống cát”, Abdelgawad nói.
Theo phương án này, máy xúc sẽ phải đào sâu tới hơn 15 m, còn các tàu nạo vét làm nhiệm vụ hút hết bùn cát bám bên dưới để con tàu nổi lại.
Tàu Ever Given khi bị kẹt ngang giữa kênh đào Suez. Ảnh: Getty. |
Anh hùng ngoài đời thực
Abdelgawad một mình cần mẫn lái chiếc máy xúc bới từng lớp cát bên dưới con tàu khổng lồ. Anh làm việc không ngừng nghỉ cho tới chiều 24/3, khi có người khác tới thay. Suốt 5 ngày liên tiếp, anh chỉ nghỉ ngơi 3-4 tiếng mỗi ngày.
"Tôi ngồi trong chiếc máy xúc và ngước nhìn, con tàu hiện lên như một tòa nhà chọc trời. Lúc khởi động động cơ cũng là lúc tim tôi đập mạnh nhất. Mọi người đều lo lắng cho tôi vì làm việc ngay bên dưới con tàu có kích thước khổng lồ như vậy là vô cùng nguy hiểm”, Abdelgawad chia sẻ.
“Tôi đã rất sợ, nhưng vẫn quyết tâm làm tiếp. Tôi chỉ lo lắng rằng nếu có chuyện gì không may xảy ra, bố tôi và gia đình sẽ sống ra sao. Ông chỉ có tôi là con trai, còn lại là hai chị em gái”, anh nói.
Abdelgawad chụp ảnh bên cạnh chiếc máy xúc. Ảnh: Abdelgawad. |
“Lớp bùn cát vỡ vụn thành từng mảnh cả trên bề mặt và lắng xuống dưới tạo thành trầm tích rất lớn. Nếu con tàu nghiêng đến một độ nhất định nào đó, tôi và cả chiếc máy xúc bé nhỏ sẽ bị nó đè bẹp. Tôi cảm giác mình như một người lính trong trận chiến thực sự”, Abdelgawad thuật lại.
Về phía gia đình Abdelgawad, họ liên tục gọi điện cho đội tài xế máy xúc để hỏi han tình hình của anh mỗi ngày. Trong khi đó, nhiều người đã đăng tải tấm ảnh chiếc máy xúc đơn độc đứng cạnh siêu tàu khổng lồ Ever Given lên mạng xã hội và kèm theo là những lời chế giễu.
"Họ đăng lên mạng và cười nhạo chiếc máy xúc và tôi, như ngầm nói rằng mọi nỗ lực của tôi đều vô vọng. Tôi đã thấy rất buồn, nhưng tôi nhanh chóng quên đi điều đó khi công sức của toàn bộ đội cứu hộ được đền đáp. Con tàu đã nổi lại vào ngày 29/3”.
"Tôi quay lại khoảnh khắc tuyệt vời đó và đăng lên Facebook. Cảm giác như mình đã chiến thắng trong một cuộc chiến", Abdelgawad chia sẻ.
Khi trở về ngôi làng nhỏ Danjwan, nằm ở ngoại ô thành phố Shirbin (tỉnh Daqhaliyah) Abdelgawad được chào đón như một người hùng. Dân làng hò reo tên anh và tổ chức ăn mừng.
“Tôi biết rằng bản thân đã làm được điều gì đó to lớn cho đất nước. Bố tôi nói rất tự hào vì tôi. Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn”, chàng thanh niên 26 tuổi kể lại.