Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bị quân đội bắt giữ trong cuộc chính biến ngày 1/2.
Ngay cả với những người lên án binh biến tại Myanmar và hành động của giới quân sự, thái độ của họ đối với Aung San Suu Kyi không còn đầy nhiệt huyết như năm năm trước đây. Giới quan sát quốc tế, đặc biệt là những cá nhân và tổ chức chỉ trích bà trong thời gian qua về vấn đề nhân quyền, không quá đau lòng, theo nhận định của nhà nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Vasuki Shastry thuộc Viện Chatham House.
Thế nhưng, bên trong Myanmar, Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà vẫn là lực lượng huy động quần chúng có sức xoay chuyển cục diện lớn nhất nước.
Bà Aung San Suu Kyi, từng được xem là biểu tượng dân chủ Myanmar, gặp Tổng thống Barach Obama tại Yangon vào năm 2012. Ảnh: AFP. |
Tan vỡ hình ảnh trong mắt phương Tây
Thế giới phương Tây từng hoan nghênh nồng nhiệt chiến thắng của NLD vào năm 2015 và sự trở lại của Aung San Suu Kyi trên chính trường Myanmar.
Họ đã kỳ vọng vào một làn gió mới, vào những cải cách chính sách kinh tế và xã hội, một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình chuyển giao dân chủ tại đất nước gần 6 thập niên nằm dưới sự kiểm soát của quân đội.
Vì những nỗ lực đấu tranh dân chủ không mệt mỏi của mình trong nhiều thập niên, Aung San Suu Kyi đã được trao giải Nobel hòa bình. Thế nhưng, chỉ 3 năm sau đó, hình ảnh bà đã đi ngược lại mọi kỳ vọng của các nhà hoạt động nhân quyền.
Chính phủ của bà đã không can thiệp khi quân đội Myanmar mở các chiến dịch quân sự nhắm vào phiến quân các bang phía bắc. Giao tranh và chiến thuật mạnh tay từ quân chính phủ buộc hơn 700.000 người Rohingya theo đạo Hồi phải đi tị nạn.
Tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ “sự thất vọng to lớn” với Aung San Suu Kyi. Chính phủ của bà trong thời gian qua không gửi đi tín hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng cho người Rohingya hồi hương, hay đảm bảo các quyền cho họ tại Myanmar, theo Guardian.
“Bà ấy luôn là một chính trị gia”, Bill Richardson, cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng biết bà Aung San Suu Kyi gần 3 thập kỷ qua, nhận xét.
“Rõ ràng bà ấy đã thất bại trong việc trở thành người bảo hộ cho những vấn đề này kể từ khi lên nắm quyền”, Richardson nói, bổ sung rằng chính phủ của bà ấy rất mạnh tay trong việc bắt giam những người chỉ trích, tương tự chính phủ quân đội đi trước.
Bà Aung San Suu Kyi đến Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) biện hộ cho quân đội Myanmar về vấn đề người Rohingya. Ảnh: AFP. |
“Tôi chỉ là một chính trị gia”
Không phải mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát của Aung San Suu Kyi. Sự thay đổi về lập trường của Aung San Suu Kyi được giới quan sát đánh giá là hệ quả của những thỏa hiệp chính trị với quân đội Myanmar. Dù giành chiến thắng vào năm 2015, NLD và bà vẫn bế tắc trong việc kiểm soát quyền lực với quân đội.
Aung San Suu Kyi không thể biến sự nổi tiếng của mình trong lòng dân trở thành sức mạnh chính trị đủ lớn. Hiến pháp năm 2008 cũng ngăn cản bà danh chính ngôn thuận trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Myanmar, thay vào đó chỉ nhận vị trí cố vấn nhà nước.
“Tôi chỉ là một chính trị gia. Tôi không giống như Margaret Thatcher. Nhưng mặt khác, tôi cũng không phải Mẹ Teresa. Tôi chưa từng nói mình là người như thế”, bà từng nói với truyền thông vào năm 2015.
Trong khi chính phủ của NLD nỗ lực tạo ra tiến bộ trong một số lĩnh vực như giáo dục và kinh tế, quân đội vẫn duy trì được 25% số ghế tại quốc hội cùng những vị trí quan trọng trong nội các như quốc phòng, nội vụ và biên giới. Đến năm 2018, các nỗ lực cải cách chính trị bắt đầu có dấu hiệu trì hoãn khi Aung San Suu Kyi ngày một thể hiện thiện chí công khai với giới tướng lĩnh.
Bằng nỗ lực bảo vệ quân đội Myanmar trước sức ép quốc tế trong vấn đề người Rohingya, Aung San Suu Kyi đã tạo ra hiệu ứng đoàn kết trong nước, theo nhận định của DW.
Khi bà xuất hiện tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào năm 2019 để biện hộ cho quân đội, bác bỏ cáo buộc tướng lĩnh Myanmar muốn xóa sổ người Rohingya, người dân trong nước đã ủng hộ bà mạnh mẽ. Họ còn gọi bà là “Mẹ Suu”. Bà còn giành được thiện cảm của quân đội, biến đối thủ một thời trở thành đồng minh trên chính trường.
“Câu chuyện của Aung San Suu Kyi cũng là bài học cho chúng ta. Có thể bà ấy chưa từng thay đổi. Có lẽ bà ấy vốn luôn như vậy nhưng chúng ta đã không tìm hiểu thấu đáo. Chúng ta cần cẩn trọng, đừng gán lên người khác hình ảnh mang tính biểu tượng vượt khỏi bản chất con người”, cựu đại sứ Mỹ tại Myanmar, Dereck Mitchell trả lời BBC.
Xe thiết giáp phong tỏa tòa nhà quốc hội Myanmar vào ngày 1/2. Ảnh: Reuters. |
Vai trò cho tương lai
Mọi rắc rối chỉ xuất hiện khi Myanmar tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11/2020. NLD và bà Aung San Suu Kyi giành được chiến thắng áp đảo. Điều này mở ra khả năng NLD tìm cách chỉnh sửa hiến pháp và làm giảm quyền lực của quân đội trong hệ thống chính trị Myanmar, hoặc chính thức đưa cố vấn nhà nước trở thành tổng thống.
Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) của phe quân đội nhanh chóng phản đối kết quả và đòi bầu cử lại. Phía quân đội cũng cáo buộc danh sách cử tri có dấu hiệu bất thường và yêu cầu Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC) kiểm tra nhưng bị từ chối. Cuộc chính biến nổ ra chỉ 3 tháng sau. Quân đội ngày 3/2 nói rằng kịch bản này vốn dĩ “không thể tránh khỏi”.
Dù một lần nữa ở giữa tranh cãi, bà Aung San Suu Kyi trên thực tế vẫn duy trì sức ảnh hưởng to lớn đối với Myanmar. Theo khảo sát vào năm 2020 của Liên minh Nhân dân vì Bầu cử Uy tín, có đến 79% người Myanmar trả lời rằng họ tin tưởng Aung San Suu Kyi, cao hơn mức 70% chỉ một năm trước đó.
Vasuki Shastry nhận định rằng con đường khả thi nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Myanmar là dàn xếp chính trị với sự giám sát của quốc tế.
Quân đội cũng hứa hẹn sẽ tổ chức lại bầu cử vào năm 2022, một khi tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực. Viễn cảnh này sẽ cần đến Aung San Suu Kyi vì thực tế là suốt 5 năm nắm quyền, bà và NLD đã không gầy dựng được một thế hệ lãnh đạo kế cận.
Trong khi tương lai Myanmar còn mơ hồ, điều duy nhất có thể khẳng định chắc chắn là Aung San Suu Kyi đã thất bại khi tin tưởng bà có thể bắt tay cùng quân đội. Việc chấp nhận thay đổi bản thân từ “biểu tượng dân chủ” thành “chính trị gia dân tộc chủ nghĩa” cuối cùng vẫn không cản được ngày binh biến.