Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar phát biểu lần đầu sau chính biến

Trong phát biểu đầu tiên sau cuộc chính biến ở Myanmar ngày 1/2, Tổng tư lệnh quân đội nước này, tướng Min Aung Hlaing, nói việc giành kiểm soát là “hợp pháp” và “cách duy nhất".

Quân đội Myanmar dưới quyền ông Min Aung Hlaing vào rạng sáng 1/2 khiến người dân quốc gia này bất ngờ khi bắt giữ lãnh đạo dân sự, bao gồm bà Aung San Suu Kyi, ngay trước khi quốc hội chuẩn bị nhóm họp trở lại.

Tướng Min Aung Hlaing nói việc quân đội giành lại quyền lực là “phù hợp pháp luật”, sau khi chính phủ không hành động trước các cáo buộc gian lận bầu cử mà quân đội đưa ra, theo AFP.

“Sau nhiều yêu cầu mà chúng tôi đưa ra, đây là biện pháp duy nhất cho đất nước, và đó là vì sao chúng tôi lựa chọn làm như vậy”, ông Min Aung Hlaing nói trong buổi họp nội các đầu tiên, theo một phần phát biểu được đăng lên trang Facebook chính thức của quân đội.

Trong tuyên bố trên truyền hình, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, và trao quyền lực cho Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, tướng Min Aung Hlaing, trong vòng một năm đó. Quân đội cho biết sẽ tổ chức bầu cử mới sau đó, và trao quyền lực cho người chiến thắng.

Giới quan sát bầu cử đều nói quá trình bỏ phiếu diễn ra mà không có sai sót lớn, theo Straits Times. Ủy ban bầu cử ra tuyên bố tuần trước, khẳng định bầu cử đã diễn ra một cách tự do, công bằng, đáng tin cậy và “phản ánh ý nguyện của người dân”. Ủy ban này nói các sai sót không ở mức gian lận hay ảnh hưởng kết quả bầu cử.

dao chinh o Myanmar anh 1

Quân lính có vũ trang đứng gác bên ngoài khu nhà nghỉ của các nghị sĩ ở thủ đô Naypyidaw ngày 2/2. Ảnh: Reuters.


Liên Hợp Quốc và nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản đã mạnh mẽ lên án cuộc chính biến của quân đội, kêu gọi thả những người bị bắt và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. Phía Trung Quốc gọi diễn biến này là “thay đổi nội các”.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp về Myanmar nhưng không đồng thuận được về một tuyên bố lên án cuộc chính biến.

Ở thủ đô Naypyidaw, quân lính có vũ trang đứng gác bên ngoài khu nhà nghỉ của các nghị sĩ. Một nghị sĩ của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) gọi đây là “trung tâm giam giữ ngoài trời”, dù rằng đến tối 2/2, một số chính khách được phép rời đi.

Đảng NLD tiếp tục kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo khác của đảng bị bắt giữ, đồng thời kêu gọi quân đội công nhận kết quả bầu cử 2020.

Đến chiều 2/2, một quan chức đảng NLD nói vẫn chưa liên hệ trực tiếp được với bà Aung San Suu Kyi, nhưng một người hàng xóm nói đã thấy bà ở tư dinh tại thủ đô Naypyidaw.

“Bà đi lại trong khu nhà của mình để mọi người biết bà vẫn đang khỏe”, quan chức phụ trách báo chí của đảng NLD nói với AFP.

Đến tối 2/2, ở thành phố Yangon, đầu tàu kinh tế của Myanmar, đáp ứng một chiến dịch trên mạng xã hội, người dân bấm còi xe và gõ nồi, chảo để phản đối vụ chính biến.

Không có nhiều dấu hiệu cho thấy an ninh được thắt chặt tại Yangon, cho thấy các tướng lĩnh tin rằng trước mắt sẽ không có biểu tình diện rộng.

Quân đội canh gác ngoài tòa thị chính Yangon Rạng sáng 1/2, nhiều nhà lãnh đạo của đảng NLD bị quân đội bắt giữ. Binh sĩ đã được triển khai bên ngoài tòa thị chính ở Yangon và thủ đô Naypyitaw.

Vì sao Mỹ vẫn gọi Myanmar là ‘Burma’?

Myanmar, đất nước vừa trải qua binh biến khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo dân sự, có tên chính thức là “Myanmar”. Nhưng Mỹ tiếp tục dùng tên cũ là “Burma”.

'Chúng ta lại hiểu sai về Myanmar'

Nhiều nhà quan sát phương Tây bất ngờ với cuộc chính biến tại Myanmar, mặc dù có nhiều dấu hiệu rõ ràng về xung đột trước đó.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm