Trong tuyên bố chính thức sau cuộc binh biến ngày 1/2 ở Myanmar, Mỹ không dùng tên chính thức của Myanmar, mà dùng tên cũ là “Burma”.
“Câu trả lời khá phức tạp. Vì khi bàn đến đất nước Myanmar, gần như mọi thứ đều dính tới chính trị, bao gồm cả tên gọi”, hãng tin AP giải thích.
Từ cách đây nhiều thế hệ, quốc gia này có tên gọi là “Burma”, đặt tên theo nhóm sắc tộc chiếm đa số. Nhưng năm 1989, một năm sau khi chính quyền quân phiệt đàn áp một cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ, các lãnh đạo quân đội đột ngột đổi tên nước thành “Myanmar”.
Khi đó, Burma là quốc gia bị quốc tế lên án và xa lánh, và phải tìm mọi cách để cải thiện hình ảnh. Vì vậy, các lãnh đạo quân đội bỏ đi cái tên “Burma” mà họ cho là từ thời quá khứ thực dân, và nhằm thúc đẩy đoàn kết các dân tộc. Cái tên “Burma” bị coi là mang tính loại trừ các sắc dân thiểu số.
Một sạp báo ở Yangon ngày 2/2, một ngày sau cuộc chính biến ở Myanmar. Ảnh: AP. |
Dù vậy, theo AP, ở trong nước, việc đổi tên không có nhiều ý nghĩa. Trong ngôn ngữ của nước này, “Myanmar” chỉ là dạng thức trang trọng hơn của “Burma”. Tên gọi của quốc gia chỉ thay đổi trong tiếng Anh, chứ không có nhiều thay đổi trong tiếng Myanmar.
Đó là một chiêu bài về ngôn từ. Nhưng nhiều nước vẫn thể hiện sự chống đối chính quyền quân phiệt bằng cách từ chối dùng tên mới, theo AP.
Cách đây hơn 10 năm, chính quyền quân phiệt dần để đất nước chuyển sang chế độ “nửa dân chủ”. Các lãnh đạo đối lập được trả tự do hoặc được dừng quản thúc tại gia, và bầu cử được cho phép, nhưng quân đội vẫn nắm giữ quyền lực lớn. Nhà hoạt động dân chủ lâu năm Aung San Suu Kyi trở thành lãnh đạo dân sự của đất nước.
Những năm sau đó, báo chí quốc tế và nhiều nước bắt đầu sử dụng tên chính thức của Myanmar. Sự phê phán, chỉ trích đối với quân đội Myanmar bớt gay gắt hơn, cái tên “Myanmar” được sử dụng thường xuyên hơn.
Mỹ về mặt chính thức vẫn dùng cái tên “Burma”, nhưng cũng đã nới lỏng việc dùng tên mới. Năm 2012, trong một chuyến thăm, Tổng thống Barack Obama dùng cả tên “Burma” và “Myanmar”. Một cố vấn của tổng thống Myanmar coi điều đó là “rất tích cực”, thể hiện “sự thừa nhận đối với chính phủ Myanmar”.
Dù vậy, phản ứng của Washington đối với cuộc chính biến lần này dường như muốn thể hiện sự cứng rắn, khi cả Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đều không sử dụng tên mới của Myanmar.
“Mỹ dỡ bỏ trừng phạt lên Burma trong thập kỷ qua dựa vào tiến triển đạt gần hơn tới dân chủ”, ông Biden nói trong một thông cáo. “Nếu các tiến bộ đó bị đảo ngược, các quy định trừng phạt của chúng tôi sẽ được xem xét lại”.
Đa phần các nước khác trên thế giới khi lên tiếng phản ứng vẫn dùng tên chính thức là “Myanmar”.