“Nếu chúng ta không tiếp cận khéo léo, Myanmar có thể xa rời các nước dân chủ, tự do, và xích lại gần hơn với Trung Quốc”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Yasuhide Nakayama trả lời phỏng vấn Reuters. Ông cho biết Nhật Bản nên bàn chiến lược chung với các đồng minh.
Lãnh đạo dân sự của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, và các nhân vật cao cấp khác của đảng cầm quyền bị quân đội bắt giữ vào sáng sớm 1/2.
Nhật Bản, một nước viện trợ lớn và có quan hệ lâu năm với Myanmar, đã kêu gọi quân đội trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các quan chức khác của chính phủ dân sự, đồng thời khôi phục lại nền dân chủ.
Ông Nakayama nói bất cứ động thái ngưng chương trình hợp tác của Nhật Bản với quân đội Myanmar có thể khiến Trung Quốc giành thêm ảnh hưởng. Điều đó có thể tác động tới an ninh trong khu vực.
“Nếu chúng ta dừng, quan hệ giữa quân đội Myanmar và quân đội Trung Quốc sẽ mạnh hơn, và Myanmar sẽ xa rời các nước tự do như Mỹ, Nhật Bản và Anh”, ông Nakayama nói. “Tôi nghĩ điều đó sẽ gây ra rủi ro cho an ninh trong khu vực”.
Người Myanmar ở Tokyo giương ảnh lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình phản đối cuộc chính biến của quân đội ngày 1/2. Ảnh: Reuters. |
Từ năm 2014, thông qua các chương trình, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tập huấn cho quân nhân Myanmar về nhiều lĩnh vực như cứu nạn thiên tai hay khí tượng hàng không.
Hai nước cũng có chương trình trao đổi học thuật, theo đó 8 sĩ quan quân đội Myanmar được theo học tại Học viện Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản.
Trong nỗ lực vươn ảnh hưởng ở khu vực, Nhật Bản đã tập trung vào “hỗ trợ xây dựng năng lực” với các nước ASEAN, một phần trong chiến lược đảm bảo an ninh rộng hơn của nước này các năm gần đây.
Trong tuyên bố trên truyền hình, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, và trao quyền lực cho Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, tướng Min Aung Hlaing, trong vòng một năm đó. Quân đội cho biết sẽ tổ chức bầu cử mới sau đó, và trao quyền lực cho người chiến thắng.
Về phần mình, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi ra tuyên bố trên Facebook rằng hành động của quân đội là không có cơ sở, trái với Hiến pháp và ý nguyện của người dân. Tuyên bố này kêu gọi người dân chống lại “cuộc đảo chính” ngày 1/2.
Ông Nakayama, người từng có những lần công khai chỉ trích Trung Quốc, cũng cho biết ông đang theo dõi các hành động trên biển của Trung Quốc một cách cẩn trọng, sau khi Bắc Kinh thông qua luật mới cho phép tàu hải cảnh bắn vào tàu thuyền nước ngoài, theo Reuters.