Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao quân đội Myanmar tiến hành chính biến?

Vụ chính biến của quân đội Myanmar được cho là "khó lý giải". Các câu hỏi lớn là vì sao họ lại hành động lúc này và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Sau chinh bien Myanmar doi mat voi dieu gi anh 1

Vụ chính biến ngày 1/2 tạo ra bầu không khí lo sợ bao trùm đất nước Myanmar, nơi đã trải qua gần 50 năm dưới sự cai trị của quân đội trước khi bắt đầu quá trình dân chủ hóa vào năm 2011. Việc bà Aung San Suu Kyi và các chính trị gia khác bị bắt vào sáng sớm gợi nhớ những ngày mà nhiều người hy vọng đã lùi vào dĩ vãng.

Dù vậy, từ trước ngày 1/2, ở hậu trường, quân đội Myanmar vẫn kiểm soát tương đối chặt chẽ, nhờ bản hiến pháp giúp họ hiển nhiên nắm giữ một phần tư số ghế trong quốc hội và điều khiển các bộ quyền lực nhất của đất nước. Họ bắt giữ các lãnh đạo dân cử với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử cuối năm 2020.

"Có phải kết quả bầu cử có nghĩa là (quân đội) mất đi quyền lực không? Câu trả lời là không", Phil Robertson, Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ở châu Á, nói với BBC. Ông Robertson cho rằng vụ chính biến là "không thể giải thích được".

Cáo buộc gian lận bầu cử kiểu ông Trump

Cuộc bầu cử năm ngoái đã chứng kiến đảng NLD của Aung San Suu Kyi giành được hơn 80% số phiếu bầu. Phe đối lập được quân đội hậu thuẫn ngay lập tức tung ra cáo buộc gian lận sau cuộc bầu cử.

Cáo buộc này được nhắc lại trong tuyên bố có chữ ký của Tổng thống lâm thời Myint Swe, người mà quân đội vừa đưa lên hôm 1/2, để biện minh cho việc áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.

Sau chinh bien Myanmar doi mat voi dieu gi anh 2

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và Tổng thống lâm thời Myint Swe tuyên bố về vụ binh biến trên đài truyền hình hôm 1/2. Ảnh: Reuters.

Hầu như không có bằng chứng cho những cáo buộc của phe đối lập.

"Rõ ràng là bà Aung San Suu Kyi đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử", ông Robertson nói. "Đã có những cáo buộc về gian lận bầu cử. Tất cả những cáo buộc này đều có gì đó như kiểu ông (Donald) Trump, tức không có bằng chứng".

Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) được quân đội chống lưng chỉ giành được một phần nhỏ phiếu bầu. Song quân đội vẫn có sự chi phối rất lớn đối với chính phủ nhờ vào bản hiến pháp được ban hành năm 2008, trong thời kỳ quân quản.

Hiến pháp không chỉ tự động trao cho quân đội một phần tư số ghế trong quốc hội mà còn trao cho quân đội quyền kiểm soát ba bộ quan trọng - nội vụ, quốc phòng và biên giới.

Vì vậy, chừng nào bản hiến pháp này vẫn còn, quân đội vẫn duy trì được một số quyền kiểm soát. Song liệu NLD, với đa số ghế trong quốc hội có thể sửa đổi hiến pháp không?

Theo Jonathan Head, phóng viên thường trú của BBC tại Đông Nam Á, việc này không có khả năng xảy ra vì cần phải có sự ủng hộ của 75% nghị sĩ - nhiệm vụ gần như bất khả thi khi quân đội kiểm soát ít nhất 25%.

Sau chinh bien Myanmar doi mat voi dieu gi anh 3

Binh sĩ Myanmar được triển khai trên đường phố sau vụ chính biến. Ảnh: Reuters.

Thể diện của "cha đẻ quốc gia"

Các chuyên gia dường như không chắc chắn về lý do chính xác tại sao quân đội lại hành động, vì dường như họ thu được rất ít lợi ích.

"Cần nhớ rằng hệ thống hiện tại rất có lợi cho quân đội: họ có quyền tự đưa ra quyết định, đầu tư đáng kể của quốc tế vào các lợi ích thương mại...", Gerard McCarthy, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với BBC.

"Việc nắm quyền trong một năm như đã tuyên bố sẽ khiến họ bị cô lập bởi các đối tác quốc tế ngoại trừ Trung Quốc, gây tổn hại đến lợi ích thương mại của quân đội và kích động sự phản kháng ngày càng gia tăng từ hàng triệu người đã đưa bà Suu Kyi và NLD lên nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa".

Theo chuyên gia này, có lẽ quân đội Myanmar hy vọng sẽ cải thiện vị thế của USDP trong các cuộc bầu cử tương lai, nhưng rủi ro của một hành động như vụ binh biến vừa diễn ra "là rất lớn".

Aye Min Thant, nhà báo người Myanmar, cho rằng có thể có lý do khác cho vụ binh biến hôm 1/2: thể diện của quân đội.

"Quân đội đã không nghĩ là sẽ thua (trong cuộc bầu cử)", Aye Min Thant nói với BBC từ Yangon. "Những người có người thân phục vụ trong quân đội chắc hẳn đã không bỏ phiếu cho họ".

"Bạn cần hiểu cách quân đội nhìn nhận vị trí của họ tại nước này”, Aye Min Thant nói thêm. "Truyền thông quốc tế quen gọi bà Aung San Suu Kyi là 'mẹ đẻ'. Quân đội tự coi mình là 'cha đẻ' của quốc gia".

Kết quả là quân đội cảm thấy có "nghĩa vụ và quyền lợi" trong việc nắm quyền. Và trong những năm gần đây, khi Myanmar dần trở nên cởi mở hơn với thương mại quốc tế, quân đội bắt đầu không thích những gì họ chứng kiến.

"Họ đặc biệt coi các thế lực bên ngoài là một mối nguy hiểm", Aye Min Thant nói.

Aye Min Thant nghĩ rằng đại dịch và quan ngại quốc tế về việc người Rohingya bị tước quyền trong cuộc bầu cử tháng 11 có thể đã thúc đẩy quân đội hành động ngay lúc này. Dù vậy, vụ binh biến hôm 1/2 vẫn là bất ngờ.

Sau chinh bien Myanmar doi mat voi dieu gi anh 4

Xe quân đội trên đường phố Naypyitaw hôm 2/2. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, vụ chính biến dường như xuất phát từ tham vọng cá nhân của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing.

Vị tướng này sẽ phải về hưu theo quy định vào tháng 7/2021 và ông được cho là đang nhắm đến các vị trí trong chính trường. Tuy nhiên, chiến thắng áp đảo của NLD trong cuộc bầu cử mới đây đã làm lu mờ mọi cơ hội để ông hay các tướng lĩnh khác chen chân vào các vị trí dân cử hàng đầu, theo hiến pháp hiện tại.

Tư thù giữa ông Min Aung Hlaing và bà Suu Kyu cũng có thể giải thích phần nào vụ chính biến. Hai người đã có quan hệ rất không tốt đẹp từ khi NLD vươn lên nắm quyền vào năm 2015. Bà Suu Kyi và chính phủ đã cố lách qua khe hẹp khi vừa phải làm vui lòng các tướng lĩnh vừa từng bước tước đi các đặc quyền của họ.

Chuyện gì tiếp theo?

Người duy nhất thực sự biết chính quyền mới sẽ làm gì là thủ lĩnh của họ, tướng Min Aung Hlaing, theo các chuyên gia của CSIS. Quân đội tuyên bố tiến hành chính biến để bảo vệ hiến pháp, viện dẫn Mục 417, cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm nếu phải đối mặt với mối đe dọa "có thể làm tan rã Liên bang hoặc làm tan rã sự đoàn kết dân tộc hoặc có thể làm mất chủ quyền".

Một thập kỷ hiện đại hóa và mở cửa đã dẫn đến những thay đổi cơ bản trong cách giao tiếp của người dân Myanmar, đặc biệt là sự bùng nổ của dịch vụ Internet di động. Điều đó sẽ khiến quân đội khó khăn hơn nhiều trong việc che đậy sự bất bình của dân chúng so với các cuộc binh biến trước đây.

Trong phản ứng ban đầu, hầu hết cư dân ở các trung tâm đô thị lớn đều bày tỏ sự ngờ vực và đau buồn. Người dân đổ xô đến chợ để mua sắm tích trữ, chuẩn bị cho tương lai đầy bất trắc.

Sau chinh bien Myanmar doi mat voi dieu gi anh 5

Người dân xếp hàng chờ rút tiền ở Yangon hôm 1/2. Ảnh: Reuters.

Khi lo ngại về đảo chính gia tăng vào tuần trước, những lá cờ đỏ của NLD bay trên các cửa sổ ở khắp Yangon. Hầu hết chúng đã biến mất trong những giờ đầu tiên sau chính biến, giữa lúc cư dân cố gắng tránh trở thành mục tiêu.

Song việc này báo hiệu sự chống đối rộng rãi trước việc quân đội can thiệp, có thể trở thành sự phản kháng có tổ chức trong những ngày và tuần tới.

Một phát ngôn viên của NLD kêu gọi công dân phản đối theo hình thức bất bạo động và phù hợp với luật pháp. Đảng này cũng đăng lên Facebook một tuyên bố được cho là do bà Suu Kyi ký trước khi bà bị bắt. Tuyên bố kêu gọi công dân "đáp trả và cực lực phản đối cuộc đảo chính của quân đội".

Ông Phil Robertson của HRW cho rằng người dân Myanmar sẽ không "để yên" cho vụ chính biến.

"Họ không muốn quay trở lại chế độ quân sự", ông nói. "Họ coi bà Suu Kyi như bức tường thành chống việc quân đội trở lại nắm quyền".

Theo ông, vẫn còn hy vọng rằng sự việc có thể được giải quyết thông qua đàm phán, nhưng nói thêm: "Nếu chúng ta bắt đầu thấy các cuộc biểu tình lớn diễn ra, thì chúng ta đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng".

Về mặt quốc tế, Mỹ đã tuyên bố sẽ "có hành động đối với những người chịu trách nhiệm nếu những bước đi này không được đảo ngược", kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Ngoại trưởng Australia và tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đưa ra những tuyên bố tương tự.

Tuyên bố của Hội đồng Bảo an về Myanmar bị hoãn vì không có đủ sự ủng hộ của 15 nước thành viên hội đồng, theo một số nhà ngoại giao. Phái bộ ngoại giao của Trung Quốc và Nga cũng từ chối thông qua tuyên bố này, lấy lý do cần gửi dự thảo về chính phủ đánh giá trước.

Tuy nhiên, lựa chọn của Mỹ đối với Myanmar cũng bị hạn chế. Trong ngắn hạn, vụ chính biến gần như chắc chắn sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các lãnh đạo của Myanmar.

Song ông Min Aung Hlaing và một số tướng lĩnh khác đã bị trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu vào năm 2019 vì liên quan đến chiến dịch chống lại người Rohingya. Họ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, cấm nắm giữ tài sản tại nước này hoặc kinh doanh với người Mỹ.

Chính phủ Mỹ có thể mở rộng danh sách đối tượng bị trừng phạt theo luật này, bao gồm ông Myint Swe và những người khác liên quan đến vụ binh biến. Song điều đó khó có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến các tướng lĩnh, vì rất người trong số họ có ý định đi lại hoặc kinh doanh ở Mỹ.

Dân Myanmar thức giấc giữa chính biến, xe quân sự chạy khắp thành phố

Thức dậy với tin tức rằng quân đội đang nắm quyền kiểm soát đất nước, người dân Myanmar hồi tưởng về thời kỳ quân quản trước đây và lo ngại quá khứ sẽ lặp lại.

Quân đội Myanmar giam lỏng 400 nghị sĩ, thắt chặt kiểm soát cả nước

Quân đội Myanmar siết chặt kiểm soát trên cả nước và hiện vẫn tạm giữ hơn 400 nghị sĩ quốc hội tại khu phức hợp làm việc của chính phủ ở thủ đô Naypyidaw.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm