"Đầu tiên là một đơn hàng đặt tại Co.op Food trên đường Lương Định Của qua app Now từ sáng hôm qua, hẹn giao sáng nay. Ban đầu Now báo không có tài xế nhận đơn, em đặt lại lần nữa thì có người nhận đơn", chị N. Lan (Bình Khánh, TP Thủ Đức) chia sẻ về trải nghiệm sử dụng dịch vụ đi chợ hộ những ngày qua tại TP.HCM.
"Nhưng shipper đến siêu thị thì được báo là cả đơn hàng 11 món gồm rau củ, thịt, nước mắm, tương ớt chỉ có ba rọi heo là còn, còn lại siêu thị hết hàng rồi. Đơn này bị hủy nên mình tìm tiếp các siêu thị khác trên Now nhưng không có cái nào có mấy món như mình muốn đặt", chị N. Lan kể.
"Mình chuyển qua Grab thì thấy Tops Market An Phú còn nhiều hàng, nhưng đặt xong thì cỡ 30 phút sau bị shipper tự động hủy đơn, ko nói thêm gì. Mà đơn đã thanh toán qua thẻ, nên bây giờ lại ngồi chờ hoàn tiền chả biết đến bao giờ", nữ nhân viên văn phòng này ngán ngẩm.
Hàng loạt nền tảng có dịch vụ đi chợ hộ, đi chợ online tại TP.HCM đều gặp tình trạng quá tải sau thời điểm thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Thạch Thảo. |
Khó chồng khó
Không chỉ chị Lan, người dùng tại hàng loạt các nền tảng đi chợ hộ, đi chợ online cũng đang rơi vào cảnh tương tự khi đơn hàng bị chậm giao tới nhiều ngày, nhiều mặt hàng thường xuyên hết sạch, đặc biệt là các loại thực phẩm như rau xanh, thịt heo, trứng gà.
Tình trạng này không chỉ xảy ra với những nền tảng mà chị Lan trải nghiệm. Từ Lotte Mart, Aeon Mart, Vinmart tới Bách Hóa Xanh, hàng loạt các chuỗi siêu thị đều rơi vào quá tải vì nhiều lý do, chủ yếu đến từ nhu cầu tích trữ thực phẩm tăng vọt của người dân TP.HCM.
Do đó, dịch vụ giao hàng online của các chuỗi siêu thị không thể hoạt động nhanh. Cá biệt, nhiều đơn hàng bị chậm giao hàng tới 4-5 ngày do doanh nghiệp bị dồn đơn, không thể xử lý nhanh. Chia sẻ với Zing, đại diện Lotte Mart cho hay doanh nghiệp hiện ghi nhận tình trạng quá tải lượng đơn hàng vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
"Trong những ngày đầu TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, chúng tôi gặp khó khăn về nguồn hàng vì xe hàng ra vào thành phố phải tuân thủ nhiều quy định mới. Khi giải quyết được những vấn đề này, Lotte còn gặp khó vì nhân lực bị ảnh hưởng do dịch bệnh", vị này chia sẻ.
Chúng tôi mong khách hàng không quá nóng vội, có thể mua dần những đơn hàng nhỏ
Đại diện Lotte Mart
"Cụ thể, nhiều nhân viên của chúng tôi không thể đi làm khi nơi ở bị phong tỏa. Hoặc nhiều trường hợp khi truy vết tại điểm bán thì trở thành F1, F2, phải tuân thủ quy định cách ly tại nơi ở, dẫn tới Lotte bị thiếu hụt nhân sự", đại diện Lotte Mart thông tin.
Trong khi nhân sự và nguồn hàng gặp khó, doanh nghiệp lại ghi nhận lượng đơn hàng tăng đột biến, đặc biệt là sau khi Chỉ thị 16 được áp dụng. Chuỗi siêu thị này ghi nhận lượng đơn hàng mua online tăng 4-5 lần so với giai đoạn trước đó, trong khi năng lực xử lý đơn hàng chỉ còn hoảng 60-70%, dẫn tới tình trạng quá tải.
"Thành phố vẫn áp dụng Chỉ thị 16 và không đóng cửa hoàn toàn, người dân vẫn có thể đi mua thực phẩm thiết yếu nên chúng tôi mong khách hàng không quá nóng vội, có thể mua dần những đơn hàng nhỏ, chia nhỏ nhu cầu mua sắm ra nhiều ứng dụng, nhiều siêu thị để giảm khả năng đơn hàng bị chậm giao hoặc hết hàng", đại diện Lotte khuyến nghị.
Tắc nghẽn nguồn hàng
Còn theo đại diện Co.op Mart, doanh nghiệp hiện ghi nhận một số khó khăn trong khâu vận tải hàng hóa và có hiện tượng người mua gom hàng bình ổn giá.
Doanh nghiệp chưa thể khẳng định trong bao lâu sẽ khắc phục được khó khăn về nguồn hàng vì còn phụ thuộc vào tình hình vận tải, nhưng lượng hàng về đang được cải thiện mỗi ngày. "Ước lượng trong vòng 1 tuần tới là tình hình sẽ ổn trở lại", đại diện Co.op Mart nhận định với Zing.
Trước đó, đại diện Baemin cho biết ứng dụng đang cung ứng dịch vụ đi chợ hộ dựa trên hợp tác với các điểm bán hàng, siêu thị. Việc nhiều đơn bị hủy, chậm giao hàng chủ yếu đến từ việc các điểm bán hàng đối tác đang quá tải, phần vì hết hàng và phần vì không kịp cập nhật món đã hết lên hệ thống của Baemin, dẫn tới khách đặt phải những sản phẩm không còn.
Theo đại diện các doanh nghiệp bán lẻ, người dân TP.HCM nên bình tĩnh trước tin giả, không tích trữ quá nhiều thực phẩm không cần thiết dẫn tới quá tải các siêu thị, ứng dụng đi chợ hộ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tương tự, Grab cũng chia sẻ doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng tăng mạnh trên dịch vụ GrabMart. Đội ngũ shipper của ứng dụng đang hoạt động tích cực để chuyển toàn bộ đơn hàng tới người mua, tuy nhiên nhiều đơn bị chậm, hủy cũng do cửa hàng, siêu thị đối tác hết hàng.
Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết doanh nghiệp nhận được lượng đơn hàng tăng đột biến, dẫn đến phải sắp xếp giao hàng lâu hơn dự kiến. Vị này chia sẻ nguồn hàng của Bách Hóa Xanh vẫn ổn định, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc giao hàng do nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp chưa dự đoán được, dẫn tới ùn tắc cục bộ.
Cũng theo đại diện Bách Hóa Xanh, tình trạng này có thể được giải quyết trong 3-4 ngày tới khi doanh nghiệp huy động thêm nguồn lực và nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân TP.HCM hạ nhiệt.