Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đang lấy ý kiến theo hướng tăng mức đóng BHYT hộ gia đình so với luật hiện hành. Bên cạnh đó cũng mở rộng quyền lợi được BHYT thanh toán.
BHYT hộ gia đình đóng theo 2 mức
Theo dự thảo lần 1 Luật BHYT sửa đổi đang được Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, mức đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Mức đóng BHYT hộ gia đình có điều chỉnh khi người thứ nhất đóng ở mức 6% mức lương cơ sở, từ người thứ hai trở đi sẽ bằng 80% mức đóng của người đầu tiên.
Hiện Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, người thứ nhất trong hộ gia đình đóng bằng 4,5% lương cơ sở (807.600 đồng/năm). Người thứ hai chỉ đóng BHYT bằng 70% mức đóng của người thứ nhất, người thứ 3, thứ 4, thứ 5 bằng 60%, 50%, 40%... mức đóng của người thứ nhất (tương đương 563.220 đồng; 482.760 đồng, 402.300 đồng, 321.840 đồng/năm).
Tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia BHYT cho hộ gia đình. |
Nếu dự thảo được thông qua, tăng mức đóng lên 6%, với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng thì thẻ BHYT có giá 89.400 đồng/tháng, cả năm là 1.072.000 đồng, tăng hơn 200.000 đồng so với mệnh giá thẻ BHYT hiện tại. Đồng thời mức đóng BHYT theo hộ gia đình của người thứ 2 trở đi đều là 80% mức đóng của người thứ nhất (tương đương 800.000 đồng/tháng).
Trường hợp gia đình đông người thì đây cũng là mức tăng đáng kể so với mức đóng cũ. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất quy định khuyến khích một số đối tượng tham gia BHYT mức tối đa 3 năm. Khi mệnh giá thẻ BHYT thay đổi, người đã nộp tiền không phải nộp thêm hoặc nhận lại; không được rút tiền đã đóng BHYT.
Tăng là phù hợp
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết dự thảo lần 1 này dự kiến trình Quốc hội đầu năm 2023 nên tới đây Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến. Mục đích là sửa đổi các quy định để phù hợp với thực tiễn ở nước ta và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia.
Ông Phan Văn Toàn cho rằng thay đổi lớn nhất ở dự thảo này là đề xuất điều chỉnh các mức hỗ trợ với người tham gia BHYT hộ gia đình và chỉ giữ lại 2 mức đóng. Bởi lẽ sau khi rà soát cho thấy mức đóng như hiện nay quá thấp, nếu duy trì Quỹ BHYT sẽ không bảo đảm và về lâu dài sẽ mất cân đối thu - chi.
"Tuy nhiên, kể cả với việc điều chỉnh này thì chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ là chuyển từ ngân sách Nhà nước cấp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Tức là sẽ tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng là nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình khi tham gia BHYT", ông Toàn nói.
Chia sẻ quan điểm về các đề xuất tăng mức đóng BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn nhận việc điều chỉnh mức đóng BHYT để chăm lo sức khỏe cho người dân, tạo nguồn lực cho người khó khăn và đủ mức chi trả cho người lao động khi tham gia BHYT.
Quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi theo xu hướng chăm sóc sức khỏe nhân dân là phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên Quỹ BHYT từng bước giúp việc phòng bệnh để giảm chi tiêu cho gánh nặng bệnh tật sau này. Việc này cũng bảo đảm Quỹ BHYT tốt hơn.
Thực tế có nhiều loại bệnh nếu chi 1 đồng cho phòng bệnh sau này sẽ không mất 100 đồng để chữa bệnh. Bên cạnh đó phải giảm tiền túi của người dân trong khám bệnh chữa bệnh BHYT. Làm thế nào để cho người nghèo, cận nghèo không rơi vào tái nghèo và trở lại cận nghèo khi mắc bệnh.
Theo BHXH Việt Nam, hiện Việt Nam phủ BHYT được 91% dân số. Tại Quyết định 546/QĐ-TTg, Chính phủ giao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc năm 2022 là 92,6%; năm 2023 là 93,2%; năm 2024 là 94,1%; năm 2025 là 95,15%.