Chiều 24/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết 21 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh công tác an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị các cấp ủy đảng cơ quan, ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với mọi đối tượng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thành Trung. |
Các ban, bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào ngành, lĩnh vực, thu hút, tạo việc làm cho người lao động; đặc biệt là lực lượng lao động phi chính thức, chưa có quan hệ lao động, chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
"Cần coi đây là giải pháp quan trọng nhất hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương nhằm gia tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế; tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tại hội nghị, một số lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và địa phương nhất trí dự thảo báo cáo tổng kết nghị quyết. Giai đoạn 2012-2020, chính sách bảo hiểm y tế đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính trong các chính sách an sinh xã hội...
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng đồng tình về một số hạn chế trong quá trình thực hiện nghị quyết, như phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa đạt mục tiêu; thực trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; số tiền nợ đọng cao; tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn xảy ra...