Ý kiến trên được PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đưa ra tại tọa đàm "Đại dịch Covid-19 và chính sách với nhân viên y tế", tổ chức ngày 21/2.
Không biết lúc nào sẽ dừng việc điều trị Covid-19
Từng tham gia chi viện cho Bình Dương, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết ông từng chứng kiến nhiều học trò bị stress, đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày vì không thể quên được những ca bệnh tử vong. Nhiều y bác sĩ khác mắc Covid-19 nhưng không xin nghỉ, mà tự nguyện ở cùng bệnh nhân để tiện chăm sóc. Đó là những giai đoạn rất khó khăn của ngành y.
Theo ông Hiếu, dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn mới, cả nước buộc phải sống chung với dịch. Lúc này, khó khăn của các y bác sĩ không phải số ca mắc tăng, mà nằm ở việc phải chống dịch lâu dài, không biết lúc nào sẽ dừng việc điều trị Covid-19.
"Chúng tôi không sợ Covid-19, chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng", PGS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ về những khó khăn của cán bộ, nhân viên y tế trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: VGP. |
Cũng đề cập đến những cống hiến và khó khăn của cán bộ y bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho biết chỉ riêng đợt dịch thứ 4, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên ngành y đã hăng hái tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn "nóng" và nguy hiểm nhất.
Theo ông Tuyên, cuộc sống của nhiều nhân viên y tế bị ảnh hưởng khi phải rời xa gia đình để đi chống dịch. Có người phải ra khỏi nhà do lo ngại mang virus về cho con nhỏ, cha mẹ già và người thân.
“Các nhân viên y tế trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, hạn chế tiếp xúc xung quanh do lo sợ lây nhiễm. Cuối cùng, nhiều người an toàn trở về những đó thực sự là thời gian khủng khiếp đối với họ”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Ông Tuyên cho rằng thời gian tới, chế độ, phụ cấp cần được điều chỉnh để động viên cán bộ y tế, nhất là ở tuyến đầu chống dịch, dù đó chỉ là một phần để động viên nhân viên y tế.
3 nút thắt về chính sách
Liên quan những bất cập về chính sách với nhân viên y tế, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cơ chế chính sách của ngành y tế có 3 nút thắt lớn về thể chế cần được tập trung tháo gỡ để bác sĩ, điều dưỡng được hưởng thù lao thỏa đáng.
Thứ nhất, ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.
Thứ hai, ông Lợi đặt vấn đề vì sao ngành y tế không áp dụng phụ cấp lương 1,8 như lực lượng vũ trang. Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, hai ngành nghề đều là chăm lo cho sức khỏe của người dân, bảo vệ tính mạng con người.
Thứ ba, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng với đặc thù công việc, các nhân viên y tế phải đương đầu chống dịch nên cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chính sách được áp dụng ngay chứ không phải chờ ra nghị quyết và xin ý kiến.
"Nếu chúng ta giải quyết được những nút thắt này thì nhân viên y tế sẽ toàn tâm toàn ý trong công tác chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Có nói tinh thần trách nhiệm, ý thức cách mạng như thế nào thì cuộc sống, đời sống của gia đình và chính bản thân bác sĩ phải được đảm bảo, họ mới làm tốt được nhiệm vụ", ông Lợi nêu quan điểm.
Nhân viên y tế giành giật sự sống cho một bệnh nhân F0 ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM, tháng 7/2021. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đề xuất thêm về chế độ đãi ngộ và cơ chế đặc thù dành cho cán bộ y tế tham gia chống dịch, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần có chính sách chi trả cho nhân viên y tế ngoài chi lương hợp đồng và phụ cấp.
Chia sẻ chuyện một điều dưỡng viên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai có tổng thu nhập 9 triệu/tháng, ông Hiếu nói lãnh đạo bệnh viện đã vận dụng mọi cách, mọi nguồn nhưng chỉ chi được đến thế. "Có thể phần thu nhập này duy trì được cuộc sống của bản thân cán bộ ấy nhưng còn gia đình, vợ con, còn những cống hiến tiếp theo nữa. Do đó chúng ta cần có chính sách rõ ràng", PGS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đề xuất ban hành cơ sở pháp lý để các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có thể tuyển dụng, huy động nguồn nhân lực cơ sở y tế công, y tế tư, tham gia thực hiện tiêm chủng, thu dung, điều trị bệnh nhân.
Theo ông Hiếu, chỉ riêng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã nhận thêm gần 500 người vào viện chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Với những người này, bệnh viện khó để thanh toán, chi trả nếu không có hướng dẫn cụ thể.
Cuối cùng, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng bằng mọi cách phải có lộ trình rõ ràng để biến Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường. Khi không còn coi là dịch, bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… Lúc đó, người dân có thể vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế, cuộc sống trở lại bình thường như cũ.