Sáng 17/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương.
Theo Phó thủ tướng, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, điều kiện và năng lực phòng, chống dịch trong nước đã khác với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, có thuốc và phác đồ điều trị. Vì thế, việc mở cửa trường học là yêu cầu bức thiết bởi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo hệ lụy khôn lường.
Học sinh học một hay hai buổi nguy cơ lây nhiễm như nhau
Là địa bàn có quy mô trường học lớn nhất cả nước (hơn 12.800 trường) nhưng số ca mắc/ngày luôn dẫn đầu cả nước (gần 4.000 ca/ngày), đại diện UBND thành phố Hà Nội đề nghị sớm có vaccine tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, nghiên cứu vaccine tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm có phác đồ điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 ở cơ sở y tế.
Cho rằng hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục còn khác nhau, lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị xem xét lại việc xác định trường hợp F1 khi phát hiện học sinh mắc Covid-19 trong lớp nhằm thống nhất theo dõi sức khỏe và tổ chức đi học an toàn, ổn định.
Học sinh tiểu học tại TP.HCM được ăn bán trú tại trường. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, không có sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, hai buổi hoặc ăn bán trú. Ảnh: Phương Lâm. |
Thông tin tới các địa phương về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết từ ngày 1 đến 15/2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc Covid-19, trong đó, số trẻ 5-15 tuổi mắc là 28.314 ca (chiếm khoảng 8,6% tổng số ca mắc); trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8% tống số ca mắc).
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo địa phương, Sở Y tế cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp. "Chỉ xét nghiệm với trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0", ông Sơn nêu rõ.
Đặc biệt, Thứ trưởng Sơn khẳng định “không có sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, hai buổi hoặc ăn bán trú”. Vì vậy, các trường đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch có thể tổ chức học bán trú để tạo thuận tiện, giảm phiền hà cho phụ huynh và gia đình. Ông cho biết Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn về chăm sóc, thuốc điều trị cho học sinh mắc Covid-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh và xã hội.
Theo các nghiên cứu khoa học, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện biến chủng, vì vậy, tiêm phòng vaccine là biện pháp quan trọng để giảm tỷ lệ lây nhiễm hoặc nếu lây nhiễm sẽ giảm tỷ lệ chuyển nặng, phải nhập viện, tử vong.
Với trẻ em dưới 12 tuổi, yếu tố giảm tỷ lệ lây nhiễm chưa có do chưa được tiêm vaccine. Vì vậy, nếu trường học mở lại, khả năng lây nhiễm của trẻ em sẽ tăng rất nhanh, trong khi tỷ lệ chuyển nặng rất thấp. Đây là hai yếu tố cần tính toán để có biện pháp ứng phó phù hợp, kiểm soát hiệu quả, giảm nguy cơ lây nhiễm, không để vượt khả năng của ngành y tế trong xét nghiệm, điều trị, cách ly ca mắc trong trường học.
Thống nhất trên cả nước, không “mạnh ai nấy làm”
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan nhằm khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Ông lưu ý việc đưa trẻ trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Tới đây, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi; kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học; có phương án xử lý khi có F0, F1 hợp lý. Ông chỉ đạo Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn xét nghiệm trong trường học; theo dõi sức khỏe trẻ em mắc bệnh nền hoặc có vấn đề về sức khỏe; thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ là F1...
Học sinh lớp 1 tại TP.HCM được quay trở lại trường học trực tiếp từ 14/2. Ảnh: Phương Lâm. |
Nêu đánh giá chung trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định chủ trương đưa học sinh quay trở lại trường được đồng tình cao, song dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc Covid-19 tăng mạnh, nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến.
Ông cũng phản ánh thực tế một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt, có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.
Ngoài ra, một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết (một số huyện tại Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bộ trưởng Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ đến trường đảm bảo an toàn. Trong đó, quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi mở lại trường.
Ông đề nghị Bộ Y tế xem xét rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, học sinh; sớm ban hành hướng dẫn và thống nhất với địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp; 59/63 địa phương cho học sinh tiểu học học trực tiếp. Tất cả tỉnh, thành phố cũng cho học sinh THCS, THPT, cao đẳng và đại học đến trường. Số học sinh học trực tiếp chiếm 93,71% tổng số.
Dự kiến, từ 21/2, tất cả địa phương cho học sinh đi học trực tiếp; 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Riêng Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang có kế hoạch cho trẻ em mầm non đi học trong tháng 2 nhưng chưa xác định thời gian cụ thể.