Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nhâm Dần và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết. Cuộc họp diễn ra chiều 3/2 (mùng 3 Tết).
Mở cửa trường học trên toàn quốc
Liên quan vấn đề được xã hội quan tâm nhất hiện nay là mở cửa trường học, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đưa học sinh trở lại trường sau Tết.
Theo tổng hợp, 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2; 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch cho học sinh trung học đi học từ ngày 7 đến 14/2; 60 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch với học sinh tiểu học, mầm non.
Ông Sơn cho biết Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã lên kế hoạch nhưng phải chờ việc lấy ý kiến phụ huynh để ấn định ngày đi học cụ thể.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VGP. |
Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt phải kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Ông giao Bộ Y tế thúc đẩy chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine mùa Xuân vì khi mũi 3 phát huy tác dụng, việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội rất an toàn.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả cấp học từ ngày 7 đến 14/2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4-1/5 và cố gắng từ ngày 30/3, sau khi cơ bản tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng chỉ định và có quy định kiểm soát xuất nhập cảnh hợp lý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý khi chính sách đã ban hành thì phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất, nhất quán trên toàn quốc, “không có lý do gì để các địa phương ban hành các quy định trái với quy định chung”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: VGP. |
Số ca nhiễm Covid-19, chuyển nặng và tử vong có xu hướng giảm
Về tình hình dịch bệnh, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/1 đến 2/2), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó khi mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong).
So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.
Trong 5 ngày nghỉ, cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân với hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố. Trong đó có 92.689 liều mũi 2, 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP. |
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.
Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron.
Đại diện ngành y tế cảnh báo nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ Tết Nhâm Dần “yên bình về mặt y tế”. So với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021, số ca khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông giảm 172,8%; số ca tử vong giảm 34,3%; số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 45%; số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 350%; số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 211,4%; số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện giảm 98,3%.