Suốt 16 năm qua, chú gấu trúc Po là nhân vật thân thuộc, chiếm trọn trái tim người xem bởi sự ngộ nghĩnh, hóm hỉnh. Thần Long Đại Hiệp vừa tái ngộ khán giả qua phần phim mới nhất Kung Fu Panda 4. Bộ phim xoay quanh hành trình Po đảm nhận vai trò mới tại Thung lũng Bình Yên, đồng thời tìm kiếm người kế vị danh hiệu Thần Long Đại Hiệp.
Tại Hollywood, chuyện "vắt sữa" thương hiệu phim ăn khách là điều không còn xa lạ và Kung Fu Panda không phải là ngoại lệ. Sau phần phim thứ 4, cần nhìn nhận một thực tế rằng đã đến lúc Thần Long Đại Hiệp giã từ sự nghiệp.
Gần hai thập kỷ tung hoành
Trở lại mùa hè năm 2008, Kung Fu Panda đã tạo nên cơn sốt phòng vé toàn cầu chỉ sau vài ngày ra mắt. Nhiều khán giả vẫn còn nhớ những tràng cười, xen lẫn khoảnh khắc lắng đọng trên hành trình Po trở thành Thần Long Đại Hiệp.
Đối nghịch Po là Tai Lung, một con báo tuyết thông thạo võ thuật, biến chất sau khi bị khước từ bởi hai sư phụ Oogway và Shifu. Về mặt xây dựng nhân vật, Tai Lung là phản diện có chiều sâu nhất trong loạt phim Kung Fu Panda. Đồng hành cùng chú gấu trúc là Ngũ Đại Hào Kiệt được lồng tiếng bởi dàn diễn viên danh tiếng như Angelina Jolie, Thành Long, Lucy Liu, Seth Rogen và David Cross.
Sở hữu cốt truyện đơn giản, Kung Fu Panda thành công khi kết hợp hài hòa yếu tố giải trí và triết lý sống. Nổi bật là cách Oogway chơi chữ trong câu thoại: "Yesterday is history, tomorrow is mystery but today is a gift. Which is why it is called the present". Khi dịch từ "present" có thể hiểu là hiện tại và quà tặng. Vị sư phụ muốn nhấn mạnh vào việc chúng ta nên trân trọng hiện tại như một món quà quý giá.
So với kinh phí 130 triệu USD, Kung Fu Panda hốt bạc khi mang về 632 triệu USD cho DreamWorks, trở thành phim hoạt hình ăn khách nhất năm 2008, theo Box Office Mojo. Nhận về vô số lời khen từ giới chuyên môn, bộ phim vinh dự được đề cử hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc tại Oscar 2009.
Sau chiến công vang dội, người hâm mộ nhanh chóng tái ngộ Thần Long Đại Hiệp vào năm 2011. Tiếp nối mạch truyện, Kung Fu Panda 2 đi sâu hơn về thân thế của Po. Đây là lần đầu tiên khán giả chứng kiến chú gấu trúc bị đánh bầm dập. Gác lại quá khứ đau thương, Po vực dậy mạnh mẽ, đánh bại thái tử Shen, một con công trắng tham vọng bá chủ võ lâm. Tập trung nhiều vào yếu tố tâm lý, song bộ phim được cân bằng bởi loạt tình huống hài hước.
Không ngoài dự đoán, Kung Fu Panda 2 lập thành tích khủng với 665 triệu USD toàn cầu, cao nhất trong loạt phim, theo Box Office Mojo. Ngoài ra, tác phẩm tiếp tục nhận về đề cử Phim hoạt hình xuất sắc tại Oscar 2012.
Thừa thắng xông lên, Kung Fu Panda tiếp tục được DreamWorks bật đèn xanh cho phần 3 ra mắt năm 2016. Theo đó, Po gặp lại người cha thất lạc nhiều năm. Cậu chuyển tới sống tại làng gấu trúc, tập luyện kỹ năng mới nhằm chống lại phản diện Kai. Tuy nhiên, Kung Fu Panda 3 khó tạo ấn tượng so với hai phần đầu bởi hạn chế về kịch bản. Bộ phim thu về 521 triệu USD toàn cầu.
Mất 8 năm sau, DreamWorks mới tự tin cho ra mắt Kung Fu Panda 4. Bộ phim vẫn đi theo kết cấu quen thuộc là phản diện mới đáng gờm và chú gấu trúc đảm nhận trọng trách mới, vượt khỏi vùng an toàn. Khán giả phần nào tiếc nuối khi vắng bóng nhóm Ngũ Đại Hào Kiệt, đổi lại họ có dịp tái ngộ dàn phản diện đình đám một thời là Tai Lung, Shen và Kai.
Ngoài 4 phim điện ảnh, DreamWorks còn sản xuất thêm series, ngoại truyện về thế giới Kung Fu Panda. Sau gần hai thập kỷ, Kung Fu Panda sở hữu những con số ấn tượng về số lượng tác phẩm, doanh thu và giải thưởng. Thế nhưng, chứng kiến Po tìm kiếm người kế nhiệm cũng là lúc cần nghĩ đến chuyện "rửa tay gác kiếm".
Thần Long Đại Hiệp cũng cần "nghỉ hưu"
Hơn hai tuần ra mắt, Kung Fu Panda 4 hiện thu về 269 triệu USD toàn cầu, đưa tổng doanh thu loạt phim vượt mốc 2 tỷ USD, theo Box Office Mojo. Tại Việt Nam, chú gấu trúc mang về 117 tỷ đồng, theo Box Office Vietnam.
Dễ thấy, doanh thu phim phản ánh một thực tế rằng khán giả không còn quá mặn mà với Kung Fu Panda. Phần lớn doanh thu đến từ nhóm khán giả có nhiều năm gắn bó với chú gấu trúc. Khi tác phẩm không tương xứng với kỳ vọng người xem, hiệu ứng truyền miệng sẽ giảm.
Trên thực tế, kinh tế suy thoái tác động đến mọi lĩnh vực và Hollywood không phải là ngoại lệ. Khi kinh đô điện ảnh chưa thể sản sinh ra thương hiệu ăn khách mới, các hãng phim buộc lòng phải "vắt sữa" loạt phim ăn khách hiện có. Những cái tên như Fast & Furious, Kung Fu Panda hay Despicable Me là trường hợp điển hình. Để giải cơn khát thương mại, bào mòn thương hiệu khiến Hollywood vẫn loay hoay, thiếu định hướng.
Số liệu từ Rotten Tomatoes cho thấy Kung Fu Panda 4 nhận về điểm đánh giá là 72% từ giới phê bình. Đây là số điểm thấp nhất trong loạt phim khi xếp sau Kung Fu Panda (87%), Kung Fu Panda 2 (81%) và Kung Fu Panda 3 (86%). Đa số giới phê bình cho rằng phần phim thứ 4 đảm bảo tính giải trí, song kịch bản lại thiếu đi chiều sâu, nhóm nhân vật chưa có nhiều đất diễn.
Cây bút Odie Henderson từ Boston Globe viết: "Tôi rất thích 3 cuộc phiêu lưu trước đó của Thần Long Đại Hiệp. Thế nhưng, điều tốt nhất mà họ có thể làm là mang đến cho loạt phim này một skadoosh (đòn kết liễu của Po) để loạt phim được yên nghỉ mãi mãi".
Theo The Sunday Times, Jack Black, diễn viên lồng tiếng cho Po tâm sự: "Đối với tôi, tác phẩm là lời chia tay. Đây là phần phim Kung Fu Panda cuối cùng". Chính nét diễn hóm hỉnh, biến hóa linh hoạt của Jack Black đã phần nào tạo nên thành công cho chú gấu trúc như ngày hôm nay. Thật khó để có một chất giọng nào khác kế nhiệm Jack Black cho vai Po.
Nhìn chung, Kung Fu Panda sở hữu khối di sản đồ sộ cả về danh tiếng, doanh thu và giải thưởng. DreamWorks cùng Thần Long Đại Hiệp đã cống hiến hết mình cho khán giả và nền điện ảnh thế giới. Sau gần hai thập kỷ, chú gấu trúc Po cần được nghỉ ngơi, trao cơ hội cho các loạt phim khác.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Khán giả học cho thấy ngành khoa học điện ảnh phải đối mặt với nhiều thử thách. Tác giả kể câu chuyện thực tế trong các buổi chiếu thử phim giúp người đọc khám phá hậu trường Hollywood.