Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến 2050 ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vượt 100 tỷ USD/năm

Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu về công nghiệp bán dẫn, điện tử, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1018 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Ngành công nghiệp bán dẫn được định hướng phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể.

Trong giai đoạn 1 từ nay đến 2030, mục tiêu là tập trung thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực.

Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt 10-15%. Quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%.

Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 2 từ 2030 đến 2040, mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.

Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt 15-20%. Quy mô doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt 15- 20%.

Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 3 từ 2040 đến 2050, mục tiêu hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.

Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn lúc này tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt 20-25%. Quy mô doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 20-25%.

Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Lúc này, mục tiêu hoàn thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.

Để đạt được các mục tiêu, chiến lược đề ra 5 nhiệm vụ gồm phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử; phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài; thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và một số nhiệm vụ, giải pháp khác như xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút có chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài, nghiên cứu, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu...

Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho rằng công nghiệp bán dẫn không chỉ là ngành công nghiệp nền tảng, mà còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.

Bộ trưởng nhấn mạnh phát triển công nghệ bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà, nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.

Thời gian qua, Việt Nam thu hút nhiều ông lớn trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD.

Dự báo đến cuối năm nay, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Qualcomm muốn mua lại Intel

Đây có thể là thương vụ "bom tấn" trong ngành bán dẫn và công nghệ nói chung, trong bối cảnh Intel đang gặp nhiều khó khăn.

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới có chủ tịch mới

Tân chủ tịch TSMC C.C. Wei đã đi một con đường khác thường để trở thành kẻ dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn.

'Phát triển công nghiệp bán dẫn cần lượng điện khổng lồ'

Theo chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn cần lượng điện khổng lồ. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần đẩy nhanh các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Thủy Tiên

Bạn có thể quan tâm