Nếu hoàn thành, đây sẽ là một trong những thương vụ gây chấn động nhất lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Reuters. |
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, Qualcomm đã tiếp cận đối thủ Intel để tìm hiểu về khả năng cho một thương vụ sáp nhập trong những ngày gần đây.
Việc mua lại cho Intel, với giá trị thị trường khoảng 93 tỷ USD, sẽ là một thương vụ khổng lồ, nhưng có thể hợp lý trong giai đoạn Intel đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử 50 năm của mình.
Thương vụ lớn như vậy, nếu có thành hiện thực, cũng sẽ phải mất nhiều năm để hoàn tất. Ngay cả khi Intel đồng ý, thương vụ này chắc chắn sẽ vào tầm mắt của các cơ quan giám sát chống độc quyền. Dù vậy, WSJ cũng nhận định đây có thể là một cơ hội để tăng cường lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực chip.
Theo New York Times, Qualcomm chưa đưa ra đề nghị chính thức cho Intel, và các trở ngại cho thương vụ vẫn còn lớn. Bên cạnh yếu tố chống độc quyền, thương vụ cũng sẽ bị soi xét kỹ lưỡng về mặt an ninh, vì lĩnh vực thiết kế chip rất quan trọng đối với các ứng dụng quốc phòng và khả năng cạnh tranh tổng thể của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn.
Intel từng là công ty chip có giá trị nhất thế giới. Dù vậy, cổ phiếu Intel giảm gần 60% trong năm qua, khiến giá trị vốn hóa công ty xuống dưới mức 100 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu Qualcomm tăng 55% cùng kỳ, có giá trị thị trường 169 tỷ USD.
Qualcomm và Intel đều từ chối bình luận. Cổ phiếu Intel đã tăng 7% hôm 20/9, sau thông tin của WSJ.
NYT nhận định khoảng 10 năm trước, việc bất kỳ đối thủ sản xuất chip nào muốn mua lại Intel đều là điều không tưởng. Dù vậy, những vấn đề trong quản lý cấp cao, việc bỏ lỡ nhiều bước chuyển đổi côn nghệ quan trọng khiến một trong những công ty quyền lực nhất của Thung lũng Silicon suy yếu.
Vào đầu tháng 8, Intel công ty công bố khoản lỗ hàng quý 1,6 tỷ USD và kế hoạch cắt giảm 15.000 việc làm. Intel mới đây công bố kế hoạch tạm dừng mở các nhà máy mới ở Đức và Ba Lan.
Qualcomm, có trụ sở tại San Diego, là công ty dẫn đầu về chip di động, với những đối tác lớn nhất trong ngành như Apple và Samsung Electronics.
Công ty này không sở hữu nhà máy đúc chip, vốn yêu cầu kỹ thuật rất cao và tương ứng là chi phí cũng lớn. Patrick Little, cựu giám đốc cấp cao của Qualcomm, nhận định công ty có thể quan tâm đến mảng thiết kế chip, kênh phân phối, cũng như vị thế của Intel trong lĩnh vực máy tính.
"Đó là những thứ mà Qualcomm sẽ phải tự xây dựng và mất thời gian. Nếu bằng cách nào đó có họ sở hữu một phần của Intel, quá trình sẽ được đẩy nhanh", ông Little chia sẻ với NYT.