Những đêm đèn sáng trưng
Trong căn phòng
Thức
Chiếc chăn bò trước ngực
Đi ngủ
Đi
Chiếc chăn màu xám trắng
Hỡi những kẻ ngủ đêm
Mang tình yêu
Đi ngủ
Thức được nữa không anh
Đem tình yêu
Rọi nắng
Đêm là của chúng mình
Tình yêu thắp sáng đêm
Đêm là của chúng mình
Sao nỡ ngủ
Hở anh
Em đành thức một mình
Những đêm đèn sáng trưng
Chiếc chăn bò trước ngực
Lạnh buốt
Đêm là của chúng mình…
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Không hiểu sao, khi đọc bài thơ Đêm là của chúng mình, tôi cứ nghĩ đến Yosano Akiko (1878-1942), một nữ thi sĩ thời cận hiện đại của Nhật Bản. Trong bài thơ đầy táo bạo của mình từ hơn một thế kỷ trước, thi sĩ viết: Làn da mềm mại, dòng máu nóng bừng, tâm hồn bấn loạn, trái tim rối bời, em đợi chờ tình yêu từ anh. Thế mà anh chẳng ngắm. Anh chỉ nói về đạo. Có gì buồn không anh? Bài thơ với câu hỏi trần thế ấy đã đặt lịch sử thơ ca Nhật Bản vào hai khung cảnh khác nhau: Cổ điển và hiện đại.
Bài thơ Đêm là của chúng mình của Ly Hoàng Ly không xuất hiện vào thời điểm có tính giao thoa, phân kỳ như thơ Yosano Akiko. Tuy nhiên, âm điệu da diết và những đợi chờ được sống trọn vẹn trong tình yêu, được sở hữu những khắc giờ riêng tư của tình yêu, không vướng bận đến những gì bên ngoài thế giới của anh và em chính là điểm gặp gỡ của họ.
Thức được nữa không anh? Sao nỡ ngủ hở anh? Những câu hỏi từ sâu thẳm trái tim người phụ nữ khi hiểu rằng, thời khắc này ngắn ngủi, quý giá biết bao. Âm điệu của lời thơ hệt như câu hỏi “Có gì buồn không anh?” của Akiko. Cảm thức về thời gian và hiện hữu chính là trọng tâm của bài thơ. Làm sao tình yêu có thể thắp sáng đêm, sưởi ấm đêm, khi chỉ có mình em. Chiếc chăn lạnh buốt! Phải chăng anh vô tâm quá đỗi?
Bài thơ này còn có những cách đọc khác, mà dĩ nhiên, tình yêu chỉ là một tín hiệu có tính ẩn dụ.