Một nghệ sĩ Việt từng bị khán giả phản ứng khi quảng cáo thực phẩm chức năng "quá lố". Ảnh: T.L. |
Tại dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất làm rõ khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” và các quyền, nghĩa vụ liên quan.
Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo nhằm giới thiệu, thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện quảng cáo.
Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo gồm thực hiện quảng cáo theo hợp đồng dịch vụ quảng cáo đã ký kết; kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo; cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đề xuất đối tượng này phải thẩm định sản phẩm quảng cáo; chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm.
Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi cũng định nghĩa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng (là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ) hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên.
Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ; phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện.
Ngoài ra, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cáo tầm ảnh hưởng phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo gửi Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người nổi tiếng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh sự phát triển của các phương tiện, nội dung quảng cáo cũng phong phú, đa dạng, đặc biệt là hình thức quảng cáo thông qua những người có ảnh hưởng gây tác động lớn đến xã hội.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội (đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.
Trong khi đó, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với đối tượng này trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu đối tượng này phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.