Làm sao để các em nhỏ chăm đọc sách hơn là bài toán không đơn giản.
Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội; Mặt khác, xu hướng đọc sách điện tử cùng với quỹ thời gian eo hẹp đã làm thay đổi thói quen đọc sách của nhiều người. Người đọc, nhất là giới trẻ có xu hướng “lười đọc” và rất ngại đọc sách in bởi xem ipad, tivi có nhiều trò chơi, video với hình ảnh sống động thích hơn nhiều, còn đọc sách hay truyện tranh in thì không hấp dẫn lắm, hầu như chỉ có một màu đen và nhiều chữ dễ gây buồn ngủ.
Hướng dẫn trẻ đọc sách từ nhỏ là cách làm hay để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. |
Đó là lý do khiến trẻ em không thích đọc sách bằng việc sử dụng các thiết bị thông minh hay xem tivi. Còn theo nhà văn Phong Điệp, một nhà văn chuyên viết sách cho thiếu nhi, mặc dù những tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng của Việt Nam như: "Dế mèn phiêu lưu ký", "Đất rừng phương Nam", bộ sách Kính Vạn Hoa của Nguyễn Nhật Ánh hay loạt truyện tranh nổi tiếng thế giới là: Doraemon, Bảy viên ngọc rồng… vẫn được tái bản liên tục, nhưng số lượng các tác giả mới viết cho thiếu nhi lại đang dần giảm sút.
Điều này có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân: "Thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với những mảng văn học khác, mảng văn học thiếu nhi cơ bản có phần lép vế hơn. Nó có nhiều nguyên nhân, đó là cơ hội đăng tải những sáng tác cho thiếu nhi không được nhiều, rộng rãi như các mảng văn học khác. Ví dụ trên báo chí truyền hình, cứ đùa là “xuân thu nhị kỳ”, những ngày 1/6, ngày trung thu có những trang, chuyên mục dành cho thiếu nhi, trong khi một năm có 365 ngày khác, đất dành cho đăng tải những tác phẩm thiếu nhi hầu như không có, nó cũng khiến cho nhiệt huyết của người viết cũng giảm sút bớt".
Ngày nay, trong thời đại công nghệ số, khi mà các thiết bị xem-nghe đã trở nên quá phổ biến thì với chiếc điện thoại thông minh hoặc các thiết bị công nghệ, mọi người có thể truy cập bất cứ kho tàng tri thức nào của nhân loại. Vì thế, một trong những điều quan trọng tạo sức hút trẻ đến với sách đó chính là nguồn sách phải phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, để trẻ em thích đọc sách, trước hết cần duy trì và tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ tuổi ấu thơ, đó mới là cách làm hiệu quả.
Từ góc độ người viết cho thiếu nhi, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, để con trẻ thích đọc sách, các tác giả cần có những tác phẩm văn học cho thiếu nhi thấm đẫm ngôn ngữ Việt, thiên nhiên và những điều giản dị nằm trong văn hóa Việt, cũng như nâng cao chất lượng sách thiếu nhi. Từ đó góp phần hình thành thói quen, niềm yêu thích của trẻ với sách.
Các em học sinh đọc sách tại Thư viện Hà Nội. |
Nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc sách, nhiều bậc phụ huynh đã luôn bên cạnh, tạo hứng thú và khích lệ con trong các hoạt động đọc và tự học bởi họ tin rằng, đọc sách là cách nuôi dưỡng trí tuệ, tinh thần của con trẻ. Chị Trần Thanh Nga, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Đọc sách sẽ giúp con mình nhớ được lâu hơn và con tăng thêm được vốn từ. Khi đọc sách về lịch sử, đời sống xã hội thì mình cảm thấy con sống tình cảm hơn".
Ứng xử với sách đúng như bản chất của việc: Sách là để đọc, nghiền ngẫm và thu lượm những giá trị tri thức vô tận trong đó. Và văn hóa đọc phải xuất phát từ thói quen, thói quen đó cần được vun bồi từ mỗi gia đình. Để giới trẻ có thể hiểu được sâu sắc ý nghĩa của văn hóa đọc, cần phải có lộ trình lâu dài, bài bản cùng sự phối hợp từ gia đình, trường học, các nhà xuất bản và cơ quan quản lý.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.