Chúng ta thường nghe đến câu chuyện Thomas Edison đã thất bại hàng trăm lần trước khi chế tạo thành công bóng đèn. Thế nhưng, không phải chuỗi thất bại nào của ông cũng được đền đáp với quả ngọt.
Bên cạnh bóng đèn, Edison cũng đã cống hiến suốt hai thập kỷ (thập kỷ đấy!) để cố gắng tìm ra cách thức khai thác sắt từ cát, nhằm giảm giá thành của loại kim loại này. Kết quả không như ý, ông đành từ bỏ dự án này và miễn cưỡng bán đi công ty của mình, chấp nhận mất đi một khối tài sản lớn.
Edison không phải nhà phát minh nổi tiếng duy nhất thất bại trước dự án với quy mô khổng lồ. Trước khi iPhone và iPad cách mạng hóa thế giới máy tính cá nhân, Steve Jobs đã tích lũy một danh sách dài đáng kể các thất bại bao gồm Apple I, Apple II, Lisa, trợ lý cá nhân kỹ thuật số Newton và phần cứng NeXT.
Chúng ta có thể thấy nhiều trường hợp tương tự xảy ra với các vận động viên nổi tiếng. Khi Babe Ruth lập kỷ lục về số lần ghi điểm trực tiếp và số lần bị loại trực tiếp trong cùng một tuần, anh biết hai chỉ số này có mối liên kết chặt chẽ với nhau. “Nếu tôi chỉ cố gắng để đạt được nhưng cú đánh ăn một gôn đẹp mắt,” Ruth chia sẻ với phóng viên, “tôi có thể nâng tỷ lệ phần trăm đánh của mình lên khoảng 600.”
Ruth nắm giữ kỷ lục không mấy tự hào này trong suốt gần ba thập kỷ cho đến khi nó chính thức bị phá bởi một cầu thủ khác. Tay đánh nào giành được danh hiệu đáng xấu hổ như vậy? Bất ngờ thay, đó là Mickey Mantle, tay đánh đã được tham dự trận đấu All-Star mười sáu lần (sự kiện quy tụ những vận động viên ngôi sao có thành tích tốt nhất trong mỗi mùa giải). Về sau, kỷ lục này lại được phá vỡ một lần nữa bởi cầu thủ phòng ngự ngoài sân xuất sắc, người đã sở hữu năm chức vô địch: Reggie Jackson.
Những cái tên kể trên hoàn toàn không phải những vận động viên tồi.
Và không chỉ ở bóng chày, những trường hợp mà sự thất bại đi cùng với sự vĩ đại to lớn cũng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Ví dụ, cầu thủ bóng rổ huyền thoại Kobe Bryant sở hữu thành tích ném trượt nhiều hơn bất cứ ai trong lịch sử. Bên cạnh đó, kỷ lục cầu thủ tiền vệ chính bị mất bóng nhiều nhất cũng thuộc về siêu sao Brett Favre, nhà vô địch Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ đồng thời là thành viên được lựa chọn cho đội hình Pro Bowl mười một lần (sự kiện tương tự All-Star trong bóng chày).
Như Daniel Coyle đã chỉ ra trong cuốn sách Mật Mã Tài Năng (The Little Book of Talent), những vận động viên nổi tiếng không chỉ gặp thất bại trong các trận đấu. Họ thậm chí còn cố gắng tìm kiếm thất bại trong các buổi tập luyện. Ví dụ, vận động viên khúc côn cầu vĩ đại Wayne Gretzky thường xuyên ngã trên sàn khi thực hiện những bài tập trượt băng. Việc này không có nghĩa anh ta quên mất cách trượt, trái lại, đây là cách anh mở rộng giới hạn và thử nghiệm các khả năng của bản thân.
Coyle lập luận rằng, nếu quá trình tập luyện quá dễ dàng, không cần nỗ lực, thì bạn sẽ không học và tiến bộ thêm được. Chỉ khi bạn vượt qua được ranh giới giữa khả năng hiện tại và các kỹ năng đang nằm ngoài tầm với, bạn mới có thể thúc đẩy phát triển bản thân. Những vận động viên chuyên nghiệp không thể nào đạt được vị trí của họ bây giờ nếu họ chỉ chơi ở cùng một cấp độ mỗi ngày. Thay vào đó, họ thử thách bản thân, đối mặt với thất bại và áp dụng những lời nhận xét, những phản hồi để luyện thành thục kỹ năng mới.
Tinh thần sẵn sàng tiếp thu và phát triển từ thất bại không chỉ được áp dụng với các cá nhân; trái lại, có rất nhiều tập đoàn, tổ chức hàng đầu thế giới cũng theo đuổi tinh thần này. Một ví dụ điển hình là Google. Tất cả chúng ta đều biết rằng Google là một phát minh mang đến sự thay đổi to lớn trong cuộc sống hàng ngày của xã hội, bao gồm những sản phẩm nổi trội như công cụ tìm kiếm, Gmail, Google Maps.
Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta đã từng nghe đến Google X, công cụ tùy chỉnh trang chủ chỉ tồn tại trong vòng một ngày? Hay Froogle, một công cụ so sánh giá với cái tên khiến nhiều người dùng bối rối đến mức phải dừng hoạt động? Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta nhớ đến Google Reader, Google Web Accelerator, Google Answers, Google Video Player hay Google Buzz?
Thất bại không phải một điều rất tồi tệ, cho dù bạn có thất bại nhiều lần đi chăng nữa.
“Chính sách của chúng tôi là hãy thử nghiệm,” Tổng Giám đốc Điều hành của Google vào năm 2010, Eric Schmidt, cho biết trong thông báo quyết định ngừng hoạt động và phát triển Google Wave. “Chúng tôi trân trọng những thất bại. Tại Google, chúng tôi cho phép bạn thử những ý tưởng mới, cho dù ý tưởng đó có khó thực hiện đi nữa. Nếu thất bại, chúng tôi sẽ rút ra các bài học và áp dụng vào sáng kiến mới về sau.”
Larry Page, người đồng sáng lập Google, cũng từng nhắc đến quan điểm này với một góc nhìn tích cực. “Ngay cả khi bạn không đạt được tham vọng của mình, bạn cũng khó có thể thất bại một cách hoàn toàn. Đây là điều mà những người khác không hiểu được.”
Và cũng chính vì lý do này, những người đổi mới thành công đều là những người tạo ra rất nhiều sản phẩm. Đó là bí mật mà họ muốn giấu kín: Họ thất bại nhiều hơn tất cả mọi người.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.