Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị có buýt đường thủy vì 'sông Hồng đẹp hơn sông Sài Gòn'

Ngoài xe buýt và tuyến đường sắt đô thị sắp được đưa vào sử dụng, đại biểu Nguyễn Tiến Minh đề nghị có thêm loại hình vận tải mới là buýt đường sông và vận tải trực thăng.

Sáng 10/7, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ôtô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.

Theo đó, TP khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, ngân sách TP sẽ trợ giá cho người sử dụng.

Phát triển vận tải thủy để phù hợp quy hoạch hai bờ sông Hồng

Về cơ chế phát triển vận tải công cộng, TP sẽ hỗ trợ 100% tiền phí sử dụng đường bộ, phí cầu đường, bến bãi, bảo hiểm hành khách đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch.

duong sat do thi anh 1
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: Sơn Hà.

Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Bí thư huyện Thường Tín) nhắc đến việc TP chuẩn bị có một dự án đường sắt đô thị được đưa vào vận hành và nhấn mạnh cần quan tâm hệ thống kết nối giữa các ga với hệ thống đường bộ. Theo ông, nên ưu tiên điểm tập kết bãi đỗ xe máy, ôtô dọc đường vành đai 3 và nếu cần thiết kêu gọi, hỗ trợ tư nhân tham gia đầu tư.

Ngoài đường sắt đô thị và các tuyến buýt trong thành phố, ông Minh cho rằng Hà Nội cần có thêm loại hình mới về đường thủy nội địa để sau này phù hợp với việc phát triển du lịch quanh 2 bờ sông Hồng.

“Ở một số nước có buýt đường thủy nên tôi mong chúng ta có thêm loại hình này, vì chúng ta đang có quy hoạch 2 bờ sông Hồng. Đường sát mép nước phải đẹp để du khách đi ngắm được sông Hồng của chúng ta”, ông Minh nói và nhận định “sông Hồng còn đẹp hơn sông Sài Gòn”.

Bên cạnh đó, đại biểu này cũng góp ý Hà Nội nên có hướng ban đầu xem xét đến vận tải hàng không, vận tải bằng trực thăng.

“Về phạm vi khuyến khích ngoài tập trung vào đường sắt đô thị, tôi đề nghị tập trung vào vận tải thủy nội địa và hướng đến hình thức vận tải bằng trực thăng”, ông Minh nêu ý kiến.

duong sat do thi anh 2
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện. Ảnh: Sơn Hà.

Trước đề nghị này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng hiện chúng ta đang thực hiện quy hoạch GTVT được Thủ tướng phê duyệt nên phải theo quy hoạch này, còn các loại hình mới khi nào phát sinh sẽ tiếp tục cập nhật.

Ông cũng nhấn mạnh TP cũng sẽ điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn trong từng quá trình phát triển.

Khuyến khích dân 4 quận nội thành đầu tư bãi đỗ xe ngầm

Cũng tại Nghị quyết này, Hà Nội khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ôtô và các phương tiện cơ giới khác với nhiều cơ chế hỗ trợ.

Theo đó, các dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại.

Đặc biệt, Hà Nội khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa đầu tư bãi đỗ xe ngầm, cao tầng cho ôtô và phương tiện cơ giới khác, phục vụ nhu cầu công cộng.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) đề nghị mức hỗ trợ vận hành xe buýt cần được xây dựng hàng năm để tránh lạm phát.

Theo ông, nếu xây dựng định mức thấp thì sẽ dẫn đến tình trạng bỏ thầu thấp, khi vận hành sẽ có nhiều công ty hợp tác xã bỏ bến. “Định mức phải tính đúng, tính đủ, tránh tình trạng bỏ thầu xong lại bỏ tuyến, bỏ bến”, ông Đức nhấn mạnh.

duong sat do thi anh 3
Đại biểu Nguyễn Minh Đức. Ảnh: Sơn Hà.

Về cơ chế, chính sách xây bãi đỗ xe ngầm, ông Đức cho rằng quy hoạch này đã được công bố nhưng không thực hiện được do ưu đãi cho nhà đầu tư không có hoặc rất ít. Ông nhấn mạnh cần cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư bãi đỗ xe ngầm.

Ngoài ra, ông đề nghị Giám đốc Sở GTVT giải trình tại sao chỉ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư bãi giữ xe tại 4 quận nội thành, vì các nơi khác như quận Thanh Xuân, Cầu Giấy cũng rất thiếu và căng thẳng bãi đỗ xe.

Đại biểu Đức cũng băn khoăn diện tích trong bãi đỗ xe được ưu tiên 30% cho mục đích sử dụng thương mại có quá lớn, ví dụ với một bãi đỗ xe ngầm thì 30% đã tương đương với một tầng ngầm.

Báo cáo làm rõ thêm ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện giải thích việc TP khuyến khích các hộ dân trong 4 quận nội thành đầu tư bãi xe. Theo ông, HĐND kỳ họp trước đã thông qua quy hoạch bến bãi đỗ xe, theo đó 4 quận nội thành hầu như không bố trí được quỹ đất để đầu tư bãi đỗ xe mà chỉ dùng bãi đỗ xe tạm thời trên vỉa hè.

Tuy nhiên, theo quyết định của Chính phủ sau, các bãi giữ xe trên vỉa hè chỉ được xem xét đến năm 2023.

Khi đưa ra việc khuyến khích các hộ dân 4 quận nội thành đầu tư bãi đỗ xe, ông Viện cho biết nhiều chuyên gia lo ngại có khả thi không, có phá vỡ quy hoạch bến bãi đỗ xe đã thông qua không. Ông khẳng định là không, vì với 4 quận nội thành chủ yếu là đầu tư ngầm chứ không có diện tích quỹ đất để mở rộng đầu tư bãi đỗ xe.

“Trước hết chúng ta giới hạn trong 4 quận nội thành rồi sau đó mở rộng ra nếu cần thiết”, ông Viện nói.

Lộ trình tuyến buýt sông Sài Gòn Tuyến buýt đường sông ở TP.HCM dài gần 11 km từ bến Bạch Đằng đến bến phà Linh Đông. Giá vé dự kiến 15.000 đồng/lượt và chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình.

Hà Nội đề xuất cho doanh nghiệp thu phí lắp thang máy, PCCC ở chung cư

Chủ tịch Hà Nội đề xuất phương án kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hệ thống thang máy và PCCC ở chung cư, thu phí hàng tháng và chia sẻ dữ liệu cho TP để phục vụ giám sát.

Hoài Thu - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm