Trong phiên chất vấn chiều 9/7, HĐND Hà Nội đã dành nhiều câu hỏi cho người đứng đầu Công an TP về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội, khẳng định không thể quy hoàn toàn trách nhiệm cho cơ quan công an khi hỏa hoạn xảy ra. Đối với các chung cư vi phạm nghiêm trọng về PCCC, Công an Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang VKSND để xem xét khởi tố vụ án.
Nhiều chung cư sai phạm PCCC không thể khắc phục
Theo ông Khương, các công trình nhiều vi phạm về an toàn PCCC gồm chung cư CT4, CT5A, CT5B, CT6, CT1 Khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông), chung cư CT3A (quận Nam Từ Liêm), một số hộ gia đình tại 76 Cự Lộc (quận Thanh Xuân) và dự án 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông).
"Các công trình này có sai phạm rất nghiêm trọng, nhiều công trình chúng tôi thấy rằng không thể khắc phục về giải pháp PCCC được nên phải chuyển. Chúng tôi còn đang đánh giá chứng cứ, chứ chưa hẳn chuyển sang là khởi tố ngay”, tướng Khương cho biết.
Trung tướng Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn trước HĐND TP ngày 9/7. Ảnh: Sơn Hà. |
Chất vấn Giám đốc Công an Hà Nội, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam bày tỏ bức xúc về việc Hà Nội vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, chết nhiều. Nêu dẫn chứng về vụ cháy nhà xưởng ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) làm chết 8 người, ông Nam đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành công an.
Trả lời về vấn đề này, tướng Khương cho rằng không thể quy hoàn toàn trách nhiệm cho Công an TP bởi hỏa hoạn xảy ra do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
“Thành ủy, UBND thành phố đã đặt ra vấn đề từ nhiều năm nay rồi. Tuy nhiên, còn đang có cái khó mà tôi cho là cơ chế và kinh phí là 2 nguyên nhân rất quan trọng. Tôi mạnh dạn đề xuất vậy thôi, quyền quyết định là của UBND TP”, trung tướng Đoàn Duy Khương phát biểu.
Đám cháy nhà xưởng ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm 8 người chết, trong đó có cả trẻ em. Ảnh: Hải Nam. |
Trang bị áo phòng cháy nhưng không dùng được
Cũng về vấn đề an toàn PCCC, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ ra thực trạng lực lượng cảnh sát PCCC được trang bị trang phục bảo hộ nhưng không dùng.
"Kỳ trước sau khi chất vấn, TP đã cho chuyển 1 khoản để bên PCCC mua áo phục vụ hoạt động chữa cháy. Nhưng khi làm nhiệm vụ có thấy các đồng chí công an mặc đâu. Các đồng chí nói là vì sản xuất cho người nước ngoài to quá, người Việt Nam không mặc được”, Chủ tịch HĐND TP băn khoăn.
Bà Ngọc đề nghị Công an TP tiếp tục tham mưu TP thực hiện kết luận 8 nhóm vấn đề, với từng loại hình nhà; đồng thời cần tăng cường kiểm tra, xử lý khắc phục tồn tại, không để phát sinh mới.
Chủ tịch HĐND TP yêu cầu đẩy nhanh đầu tư các dự án hạ tầng liên quan PCCC, thủ tục sẽ thẩm định bảo đảm quy định nhưng cũng phải đảm bảo mặt thời gian.
Cảnh sát PCCC Hà Nội diễn tập tình huống cứu hộ khi cháy nhà cao tầng. Ảnh: Bá Chiêm. |
Đề cập con số 28% số xe của PCCC bị hỏng theo báo cáo của Công an TP, bà Ngọc đề nghị phải rà soát xem hỏng như nào và phải có phương án thay thế. “Rất nhiều lần họp Thành uỷ, đồng chí Bí thư luôn đôn đốc việc này và rất lo lắng, nếu xảy ra việc mà không đủ phương tiện để cứu hộ cho dân thì chúng ta rất có lỗi”, bà Ngọc nói.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung sau đó thừa nhận một trong những cái khó của TP là 1.579 tòa nhà xây dựng từ những năm 1960, không hề có hệ thống PCCC. Ngân sách TP sẽ phải cân đối để sửa chữa các tòa nhà này.
Với các dự án mới, nếu các doanh nghiệp không bổ sung đảm bảo an toàn PCCC thì dứt khoát UBND Hà Nội sẽ không cấp dự án mới, không điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài dự án.