Phát biểu báo cáo tổng hợp các vấn đề sau phiên chất vấn của HĐND Hà Nội chiều 9/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề cập đến nhiều việc gây bức xúc cho người dân.
Trước hết là vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố 6 tháng đầu năm chậm trễ.
"Có tiền mà không tiêu hết là có lỗi với dân"
Nêu con số tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 32,2%, thấp hơn 6 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch Chung giải thích do nhiều nguyên nhân, và TP cũng đã kiểm điểm rõ trách nhiệm khiến việc đầu tư công chậm.
“Thành phố mà không đưa được các nguồn lực đầu tư công vào vận hành, để nguồn tiền không tiêu hết là có lỗi với người dân. Bởi nếu chúng ta đầu tư vào sẽ tạo nguồn lực về kinh tế, còn chậm sẽ tồn đọng nguồn vốn, gây lãng phí”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Sơn Hà. |
Theo ông, việc Luật đầu tư công có hiệu lực thời gian qua đã tác động đến toàn bộ quá trình điều hành về đầu tư công của TP.
Chính phủ cũng đã đề xuất và vừa qua Quốc hội cũng đã sửa đổi luật. “Hiện nay, đấu thầu xong để khởi công theo đúng quy trình cũng mất từ 500-755 ngày”, Chủ tịch Hà Nội thông tin.
Đề cập đến vấn đề ứng dụng CNTT của TP, ông Chung cho biết hiện có 83 doanh nghiệp CNTT cung cấp 170 hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng khác nhau cho các cơ quan thuộc TP và các quận, huyện. Tổng chi từ 2016 đến nay là 1.471 tỷ đồng.
Trong đó, việc ứng dụng CNTT để điều hành công việc nội bộ của TP tiếp tục được duy trì, nâng cấp theo hình thức thuê lại hạ tầng từ doanh nghiệp.
“Nếu đầu tư một bộ máy quản lý, vận hành bộ máy này thì này rất tốn kém, cán bộ thường xuyên thay đổi cũng sẽ không vận hành tốt được”, ông Chung giải thích cho sự lựa chọn này.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng cam kết đảm bảo tính bảo mật của hệ thống khi máy chủ ứng dụng đều được được kết nối với máy chủ giám sát của Ban Cơ yếu Chính phủ. “Mọi thay đổi, thao tác trên hệ thống đều được máy chủ của Ban Cơ yếu Chính phủ ghi lại vết và phân tích, giám sát”, ông Chung cho hay.
Nhiều chung cư vi phạm số tầng, số căn hộ
Về vấn đề chỉnh sửa quy hoạch, Chủ tịch Hà Nội cho hay ngay từ năm 2016 khi bắt đầu nhận công tác, Bí thư Hà Nội đã làm việc với Sở KH&ĐT và ghi nhận có 537 dự án, trong đó có những dự án từ năm 1997 đều phải dừng lại và chậm.
Một năm sau, Thủ tướng có quyết định phê duyệt chung quy hoạch của Hà Nội cũ, nhưng đến khi hợp nhất năm 2008 thì thực hiện quy hoạch chung của Thủ đô, tất cả các dự án đều phải dừng lại.
Thời gian qua, khi thấy hạ tầng chỗ đỗ xe của TP không đảm bảo thì Thành ủy chỉ đạo yêu cầu tất cả đơn vị xây nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm trở lên, rồi với công trình trường học ở nội đô, TP xin Bộ Xây dựng cho nâng từ 3-4 tầng.
“Như vậy là chúng ta phải điều chỉnh theo mục tiêu, chứ không phải điều chỉnh theo yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Chung nhấn mạnh.
Khu chung cư HH Linh Đàm được dẫn chứng là trường hợp vi phạm trật tự xây dựng về số tầng, số căn hộ. Ảnh: Anh Tuấn. |
Vấn đề khác khiến cử tri bức xúc liên quan đến một số tòa nhà chung cư có vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm mật độ và số tầng, số căn hộ cũng vượt quá so với quy hoạch.
Ông Chung lấy dẫn chứng khu HH Linh Đàm và cho rằng theo cơ chế hiện nay, yêu cầu chủ đầu tư phải lắp thêm thang máy và hệ thống PCCC. Tuy nhiên, người dân lại rất mong mỏi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Căn cứ vào các quy định hiện hành, chúng tôi thấy đây là vấn đề khó”, ông Chung nhận định.
Cho biết tới đây sẽ rà soát lại các cơ sở này, ông Chung cũng khẳng định TP sẽ báo cáo Chính phủ để yêu cầu chủ đầu tư tăng cường lắp hệ thống PCCC, cải tạo thang máy để đảm bảo vận hành.
TP đề xuất phương án kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và thu phí hàng tháng ở mỗi tòa nhà, chia sẻ dữ liệu cho TP và các sở để phục vụ giám sát.
Như ở Singapore, hiện có khoảng 6.500 tòa nhà cao tầng và chỉ có 2 doanh nghiệp đầu tư dịch vụ này, họ lắp cảm biến giám sát toàn bộ việc bảo dưỡng, bảo hành thang máy và hệ thống PCCC. Khi đến hạn, hệ thống tự động báo cho chủ đầu tư và nhà cung cấp thiết bị, đồng thời chia sẻ dữ liệu với cảnh sát PCCC và TP để giám sát hệ thống này tốt hơn.