GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội. |
Theo GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Bộ Luật Dân sự 2005 khẳng định: “Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính”.
Bộ luật Dân sự năm 2015 (thay thế Bộ luật Dân sự năm 2005) tiếp tục kế thừa nguyên văn quy định này, đồng thời bổ sung quy định về quyền chuyển đổi giới tính, một số nghĩa vụ của người xác định lại giới tính và người chuyển đổi giới tính.
“Việc cho phép chuyển đổi giới tính đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với việc bảo vệ quyền của những người chuyển giới, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người; đồng thời là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các cam kết, khuyến cáo của quốc tế về bảo đảm và thực thi quyền con người”, ông Trí cho hay.
Hiện nay, 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp; trong đó: Châu Âu có 41/50 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Á có 13/50 quốc gia và vùng lãnh thổ, châu Mỹ và Mỹ latin có 15/35 quốc gia và vùng lãnh thổ, châu Phi có 1/54 quốc gia và vùng lãnh thổ… Có 45/72 quốc gia cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần phải phẫu thuật; độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính phổ biến là 16 đến 18 tuổi.
Về chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” (Điều 37) nhưng đến nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.
Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới; chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn do sự kỳ thị của xã hội.
Khẳng định quyền nhân thân cơ bản của công dân
Theo GS Nguyễn Anh Trí, xuất phát từ những khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Bản dạng giới trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp điển hóa vào dự thảo Luật các quy định liên quan đến 2 quyền này tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Điều này nhằm khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân; đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội như mọi công dân với các dạng giới truyền thống thông thường khác.
Đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính là vấn đề pháp lý - xã hội, gắn với quyền nhân thân của con người, phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù/ khía cạnh về nhân quyền của con người sống trong một xã hội văn minh; thể hiện giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo cao cả…
Giải pháp được đại biểu đề xuất với điều kiện để cá nhân được đề nghị công nhận giới tính mới là: Đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự của mình; tình trạng hôn nhân độc thân; không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích, hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn dự án được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (tháng 3/2023); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Như vậy, đây là lần thứ hai có một đại biểu Quốc hội đưa ra sáng kiến lập pháp, chủ trì soạn thảo xây dựng một dự án luật.
Trước đây, người có sáng kiến lập pháp đầu tiên là đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, cũng thuộc đoàn Hà Nội, với đề xuất xây dựng dự án Luật Hành chính công. Tuy nhiên, sáng kiến này chỉ được "ghi nhận" chứ không được đưa vào chương trình xây dựng dự án luật.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.