Máy bay xếp hàng chờ cất cánh ở Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sáng 8/6, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng tiếp tục phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Trong 4 thành viên Chính phủ đăng đàn tại kỳ họp thứ 5, ông là người nhận được số lượt đăng ký chất vấn nhiều nhất với hơn 100 đại biểu.
Nâng số lượt cất hạ cánh Tân Sơn Nhất khi hoàn thành nhà ga T3
Tranh luận với Bộ trưởng Thắng cuối phiên chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cho biết chi phí logistics hiện rất cao, trung bình 16,8-17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%. Theo ông, muốn giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu, có vấn đề dù nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Đại biểu nêu thực trạng ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi sửa chữa thì số lần cất cánh, hạ cánh giảm từ 44-46 lượt/ giờ thì đến nay chỉ còn 40-42 lượt/giờ. "Chúng ta bỏ mấy nghìn tỷ đồng nâng cấp đường băng sân bay mà số lượt cất hạ cánh giảm đi thì đây là sự lãng phí. Bộ trưởng cần lưu ý trong việc giảm chi phí logistics ở Việt Nam", ông Hiếu phát biểu.
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa nhận hiện chi phí logistics còn cao, song theo ông, mức này đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra. Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam theo WB công bố hiện xếp thứ 43/139 nước.
“Đây là những kết quả ban đầu để chúng ta phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistics còn nhiều”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng GTVT cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục cố gắng, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để tập trung một số giải pháp kéo giảm chi phí này.
Ông Thắng cũng thông tin, khi có đủ 5 quy hoạch, Bộ GTVT sẽ đầu tư kết nối đường thủy với cảng biển, lấy quy hoạch hàng hải, cảng biển là trung tâm để kết nối với đường thủy, đường sắt, kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải lên các tuyến Tây Nam, giảm chi phí logistics.
Về việc tần suất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất thấp hơn sau khi nâng cấp, Bộ trưởng GTVT xác nhận thông tin này là chính xác.
Ông cho biết khi đường băng của Tân Sơn Nhất xuống cấp, ngoài việc nâng cấp để nâng năng lực vận tải thì còn phải đảm bảo mục tiêu cất hạ cánh an toàn.
Vừa qua, khi chúng ta bay với tần suất 44-46 lượt/giờ dẫn đến nhà ga hành khách của Tân Sơn Nhất không đáp ứng được. Đồng thời, đường kết nối từ trong ra ngoài nhà ga cũng không thể đáp ứng. Do vậy, Cục Hàng không đã phối hợp với ACV điều chỉnh, thậm chí đẩy một số chuyến ra ngoài giờ vàng để giảm để bớt ùn tắc.
“Tới đây khi nhà ga T3 hoàn thành, tần suất khai thác sẽ được nâng lên”, Bộ trưởng GTVT nói
Chậm nhất quý III 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu vấn đề dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Bà đề nghị Bộ trưởng thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành của dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết nguyên nhân chậm trễ của dự án này là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gặp khó khăn về nguồn vốn đối ứng. Do vậy, dẫn đến các nguồn vốn từ JICA, ADB không giải ngân được. Khi hiệp định hết hạn, không gia hạn được.
Để tháo gỡ, Bộ GTVT đã phối hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và VEC trình Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ vấn đề tài chính.
Đến nay, các vướng mắc đã được giải quyết. Cụ thể, đối với nguồn vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng được Chính phủ thống nhất chủ trương giao cho VEC và các nhà thầu đã thi công lại. Thách thức lớn nhất còn lại là 2 cây cầu sử dụng vốn JICA, hiện đã có vốn đối ứng nên các nhà thầu sẽ tiếp tục thi công.
Bộ trưởng GTVT cam kết theo kế hoạch, các đoạn tuyến sử dụng vốn ADB sẽ hoàn thành ngay trong quý I và II. Hai cây cầu cùng toàn tuyến hoàn thành chậm nhất quý III/2025.
"Nguồn vốn cơ bản được tháo gỡ, VEC đang chuẩn bị các quy trình, thủ tục kể cả điều chỉnh dự án để tiếp tục triển khai", ông nói.
Công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Lưu ý thêm về tuyến cao tốc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nguyên nhân về vốn như Bộ trưởng GTVT nói "chỉ là một phần".
Qua thị sát trực tiếp, ông Huệ cho rằng vướng mắc mấu chốt hiện nay là việc khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài khi việc thi công phải dừng, nghỉ. Họ yêu cầu đền bù rất nhiều.
"Chưa giải quyết được việc này thì tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành còn tiếp tục chậm", ông Huệ nói và đề nghị Phó thủ tướng Lê Minh Khái trả lời thêm về hướng tháo gỡ dự án.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.