Cầu Như Nguyệt dự kiến thông xe vào cuối tháng 6. Ảnh: Báo Bắc Giang. |
Chiều 7/6, Quốc hội khóa XV chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Tại phiên chất vấn, nhóm vấn đề về hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, cuộc khủng hoảng đăng kiểm và sát hạch cấp giấy phép lái xe… là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng.
Nhắc lại việc lãnh đạo tỉnh Bắc Giang từng đề xuất mở rộng cầu Xương Giang (điểm thắt cuối cùng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn). Bộ trưởng Thắng cho biết những đề xuất này của địa phương “Thủ tướng còn nhớ hơn cả bộ trưởng”, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện và gỡ các nút thắt còn tồn tại trong kết cầu hạ tầng giao thông. Kết quả được ông nêu ra là 566 km đường cao tốc đã được thông xe từ đầu nhiệm kỳ (bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây - khoảng 1.163 km).
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GTVT cũng nêu ra nhiều hạn chế còn tồn tại như tai nạn được kéo giảm nhưng vẫn ở mức cao; sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc; lĩnh vực sát hạch lái xe vẫn còn bộc lộ nguy cơ xảy ra tiêu cực.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội. |
Nâng cấp toàn bộ cao tốc có 2 làn xe
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) nêu nhiều tuyến đường quốc lộ chạy qua các tỉnh thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT nhưng không đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương. Nhiều tuyến xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đi lại và phát triển kinh tế - xã hội.
"Một số tỉnh đề nghị có cơ chế dùng ngân sách địa phương để đầu tư, mở rộng, sau đó sẽ bàn giao cho Trung ương quản lý. Đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này", ông Mạnh đặt vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết theo quy định Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, tuyến cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT, còn tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm địa phương. Trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, nhiều tuyến đường xuống cấp, nên một năm ngân sách Trung ương giao cho Bộ GTVT chỉ đáp ứng 66% cho hạ tầng.
"Ví dụ nhiệm kỳ này, chúng ta cần 462.000 tỷ đồng đề đầu tư thì ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỷ đồng. Đây cũng là con số rất lớn mà vẫn chưa đáp ứng được hết đầu tư các tuyến quốc lộ", ông Thắng nói.
Theo ông, trong bối cảnh ngân sách Trung ương có hạn mà địa phương có khả năng bố trí được, việc để địa phương cùng Trung ương đầu tư nâng cấp là rất cần thiết. Nhiều địa phương cũng có đề nghị như vậy. Bộ GTVT đã phối hợp các bộ, ngành xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ. Chính phủ đã họp trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép thực hiện thí điểm cơ chế trong lúc chưa sửa được luật, để Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này. Cùng với đó, Bộ GTVT cũng đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đường bộ để thực hiện khi luật được thông qua.
Sẽ nâng cấp toàn bộ cao tốc 2 làn xe thành 4 làn hoàn chỉnh. Ảnh: Việt Linh. |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đầu tư cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh hoặc nhiều hơn là nhu cầu rất đúng đắn và cấp thiết. Ông cũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc “đầu tư tuyến nào phải hoàn chỉnh tuyến đó”.
Tuy nhiên, nguồn lực có hạn, nhiều tuyến cao tốc hiện chỉ có ngân sách làm 2 làn xe. Những tuyến này được ông Thắng đánh giá là thời gian đầu lưu lượng xe không lớn. Mặc dù đã rất hạn chế việc đầu tư cao tốc 2 làn xe, Bộ trưởng GTVT cho biết cả nước còn tồn tại 5 tuyến cao tốc với quy mô như vậy.
Về giải pháp, Bộ trưởng GTVT cho biết thời gian tới cơ quan này phối hợp với Bộ KH&ĐT để tham mưu cho Chính phủ để lên kế hoạch mở rộng. “Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo ưu tiên nguồn vốn cho việc nâng cấp tất cả tuyến cao tốc 2 làn xe lên tối thiểu 4 làn hoàn chỉnh”, ông Thắng nói.
“Giá vải đắt, Bắc Giang có thể dành ngân sách làm cầu”
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Lâm về cầu Cẩm Lý (Bắc Giang) đang đi chung giữa đường sắt với đường bộ. Ông Thắng khẳng định quan điểm cần sớm đầu tư để nâng cấp, mở rộng bởi cây cầu này bởi lưu lượng rất cao và nguy cơ lớn xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, nguồn lực có hạn nên Bộ GTVT chưa thể bố trí vốn để đưa dự án này vào giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Bộ GTVT đã tính đến phương án làm việc với các tổ chức quốc tế, cụ thể là EDCF để bố trí nguồn lực nhưng không thành công.
Dẫn lại thông báo 199 của Thủ tướng, ông Thắng cho biết Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với các bộ như GTVT, KH&ĐT để thu xếp bố trí nguồn vốn ODA, triển khai nghiên cứu đầu tư phù hợp; trường hợp thật sự cấp bách cần triển khai ngay thì Bắc Giang chủ động cân đối nguồn vốn.
“Có 2 lựa chọn, trường hợp cấp thiết mà tỉnh bố trí được nguồn, đặc biệt trong đợt này giá vải lại cao, thì Bắc Giang có thể dành một phần ngân sách để làm. Trường hợp không thể, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT tham mưu trình Thủ tướng để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng GTVT nói.
Về việc trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn còn tồn tại 2 nút thắt gây ùn tắc là cầu Như Nguyệt và Xương Giang, Bộ trưởng GTVT cho biết hiện lưu lượng qua 2 cầu này đã rất cao. Đối với cầu Như Nguyệt, Bắc Giang đã dành vốn ngân sách và chủ động đầu tư mở rộng.
Hiện, còn tồn tại cầu Xương Giang chưa được đầu tư, Bắc Giang đã có đề nghị Trung ương ủng hộ với tinh thần chia sẻ. “Vừa qua khi Thủ tướng đi làm việc, Bắc Giang đã có đề đạt vấn đề này nhiều lần và Thủ tướng còn nhớ hơn cả Bộ trưởng”, ông Thắng nói và cho biết Bộ GTVT đã tính đến việc sử dụng vốn ODA để đầu tư cây cầu này nhưng bất thành. Giải pháp là cơ quan này đã trình Chính phủ để sử dụng nguồn tăng thu năm 2022 để đầu tư cây cầu này.
"Chính vì chờ bán vải nên mười mấy năm không làm nổi"
Đặt lại câu hỏi cho Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề cầu Như Nguyệt thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, theo quy định dự án do ngân sách Trung ương quản lý, đầu tư nhưng Thủ tướng và Chính phủ giao được cho Bắc Giang. Trong khi đó, khi trả lời đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Bộ trưởng GTVT lại nói phải chờ Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Ông Huệ đề nghị Bộ trưởng GTVT làm rõ vấn đề này.
Đồng thời, tranh luận sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) bày tỏ chia sẻ những khó khăn về nguồn vốn của ngành GTVT đồng thời hoan nghênh Chính phủ và tỉnh Bắc Giang đã linh hoạt đầu tư cầu Như Nguyệt.
Tuy nhiên, ông Hạ nói mỗi ngày có hàng nghìn xe tải chở thanh long, sầu riêng và hoa quả khác đang ùn tắc tại 2 cây cầu này, có trường hợp đã phải bán giải cứu.
Vị đại biểu lý giải nút thắt nằm ở chỗ chỉ có một chiều đi, một chiều về ở cùng một cây cầu. Trong khi đó, đây là con đường huyết mạch, ngắn nhất để từ mũi Cà Mau thông thương với Trung Quốc. Hiện, mới tháo gỡ được nút thắt này ở cầu Như Nguyệt, còn một cây cầu là Xương Giang tắc vẫn hoàn tắc, không giải quyết được. “Đây là vấn đề bức xúc, cần phải làm”, ông Hạ nói.
Về cầu Cẩm Lý, đây là cây cầu được xây dựng từ thập niên 70. Đến nay, cả nước chỉ có một cây cầu đi cả đường bộ lẫn đường sắt. Trong khi đây là cây cầu nối thông với Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, treo tính mạng của người dân lưu thông qua cầu. Vấn đề này cần phải tháo gỡ ngay.
“Vậy, tôi xin hỏi Bộ trưởng, hiện Bắc Giang còn thiếu thủ tục nào, còn phải gặp đến những ai thì mới được đầu tư vào cây cầu đó? Bây giờ chính vì chờ bán vải nên mười mấy năm nay kêu gọi trước Quốc hội mà không làm được nổi. Tôi cũng hy vọng nhờ bài phát biểu của Bộ trưởng hôm nay thì vải của Bắc Giang sẽ tốt hơn”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Cầu Xương Giang chỉ có 2 làn xe. Ảnh: Báo Bắc Giang. |
Tiếp tục trả lời phần tranh luận đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đầu tư mở cầu Như Nguyệt được thực hiện rất khẩn cấp bởi cây cầu này liện tục ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trong trường hợp cấp bách, Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện việc đầu tư. Dự kiến cuối năm nay, cây cầu này được thông xe. Bộ trưởng Thắng lý giải đây là xử lý trường hợp cấp bách đồng thời ông cũng mong muốn Quốc hội tạo điều kiện để mở rộng thí điểm một số công trình, hạng mục cho địa phương đầu tư.
“Còn với cầu Xương Giang, Bộ GTVT đã làm xong rồi. Nôm na là bây giờ tất cả thẩm định, tờ trình đã trình đến Chính phủ xong rồi, chỉ chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt là có nguồn để làm. Còn cầu Cẩm Lý, chúng tôi tiếp tục ghi nhận và thực ra là vấn đề đầu tiên là tiền đâu, Bộ GTVT khó nhất là không có tiền”, ông Thắng nói và cho biết ở đầu kỳ có danh mục rõ ràng, nhưng “giờ phải chờ xem có xuất hiện nguồn nào không”. Ông mong Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng tiếp tục quan tâm cho Bắc Giang để xử lý vấn đề này.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.