1. Tận dụng đồ phế liệu mở quán cà phê
Khó khăn nhất của việc mở quán cà phê là địa điểm và vốn lớn. Tuy nhiên, nhờ tận dụng được các đồ phế liệu như xe đạp, săm lốp, gỗ thừa, gạch lát sàn..., anh Nguyễn Văn Túc, chủ quán cà phê rộng hơn 300 m2 ở Hà Nội chỉ phải bỏ số vốn đầu tư chưa đến 300 triệu đồng.
Tiết kiệm chi phí đầu tư quán cà phê nhờ phụ tùng xe đạp cũ. Ảnh: Ngọc Lan. |
Từng tham khảo giá ở nhiều nơi, anh Túc cho biết, để mở một quán cà phê thông thường với diện tích tương đương, anh phải có số tiền dao động từ 500 đến 800 triệu đồng. "Vì thế, ý tưởng mở quán cà phê từ đồ phế liệu ra đời. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, lại mang ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ môi trường", anh nói.
Chủ quán này chia sẻ, một bộ bàn ghế cà phê thông thường có giá mức khoảng 1 triệu đồng. Nhưng nhờ tận dụng gỗ thừa, săm xe máy, gạch lát sàn, chi phí chỉ bằng 1/5. Đồ decor (trang trí) cũng được làm hoàn toàn từ phế liệu xe đạp. Những sản phẩm này được thu mua từ hàng đồng nát và đồ vật cũ của gia đình, nên giá chỉ vài nghìn đồng. Với ý tưởng mới mẻ này, anh Túc đã tiết kiệm được gần 100 triệu đồng tiền mở quán.
2. Biến xe khách hỏng thành quán cà phê
Tận dụng vỏ xe khách sắp hết hạn, anh Trịnh Quốc Văn ở Hà Nội đã cải tạo thành quán cà phê độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Không gian bên trong ôtô rộng 25 m2. Sức chứa tối đa hơn 30 khách. Nhờ yếu tố mới lạ, nên dù mới khai trương chưa đầy một tuần, lượng khách đã tìm đến quán rất đông.
Chủ quán đã tiết kiệm được số vốn đáng kể khi tận dụng vỏ xe khách sắp hết hạn để mở quán cà phê. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Theo chủ quán, ưu điểm lớn nhất của của cách kinh doanh này là tiết kiệm được chi phí mặt bằng, trang trí. Số vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng, bằng 1/2 so với mở một quán cà phê thông thường. Ngoài ra, quán cà phê trên xe bus còn linh hoạt trong việc di chuyển địa điểm.
Nhận thấy mô hình kinh doanh hiệu quả, được nhiều khách hàng ủng hộ, anh Văn dự định sẽ phát triển quán cà phê di động này rộng rãi ở Hà Nội.
3. Mở quán cà phê 200 m2 với 100 triệu đồng
Được một nghệ sĩ mua về Hà Nội làm nhà ở từ năm 1993, ngôi nhà sàn thành nơi giao lưu nghệ thuật, sau đó thành kho chứa đồ. Đầu năm 2014, với ý tưởng kinh doanh kết hợp làm văn hoá văn nghệ, chủ quán đã thiết kế thành một quán cà phê nhà sàn độc đáo.
Quán cà phê nhà sàn độc đáo ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh. |
Ngoài không gian nhà sàn, quán cà phê còn được thiết kế theo phong cách thời bao cấp. Đồ trang trí, bàn, ghế....của quán được tận dụng từ những đồ cổ, cũ từng sưu tầm nhiều năm trước. Anh Lu, chủ quán cho biết, với hình thức kinh doanh này, chi phí đầu tư quán cà phê chỉ khoảng 100 triệu đồng.
Mặc dù nằm trong một con ngõ hẻm, cách mặt đường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) hơn 600 m, nhưng quán thu hút rất đông khách, từ người trung tuổi tới giới trẻ.
4. Mở quán cà phê nông thôn bằng nhà cũ
Tận dụng nhà cũ làm quán cà phê, anh Nguyễn Đăng Khải (Cầu Giấy, Hả Nội) đã tiết kiệm được tối đa chi phí đầu tư.
Mở quán cà phê chỉ vài chục triệu đồng nhờ tận dụng nhà ở cũ. Ảnh: Ngọc Lan. |
Anh cho biết, ngôi nhà 3 thế hệ gia đình anh đang sống được xây dựng từ năm 1932. Do không còn phù hợp làm nhà ở nên anh đã cải tạo để mở một quán cà phê nông thôn ngay giữa lòng Hà Nội.
Tất cả những đồ vật cũ trong gia đình như mõ trâu, nong nia, bầu hồ lô, giỏ cá,...được chủ quán tận dụng làm đồ trang trí. Chi phí mở quán chỉ vài chục triệu đồng, nhưng sau khi mở ra, đây lại là địa chỉ quen thuộc của hàng trăm khách hàng mỗi ngày. Nhiều người tìm đến quán vì muốn tìm lại nét xưa của Hà Nội từ thế kỷ trước.