Năm lần bảy lượt bỏ nghề, nhảy việc
Ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Kiến trúc, Kiều Oanh (Hà Nội) đã đam mê kinh doanh. Bao nhiêu tiền tiết tiệm và vay mượn thêm, cô đều đổ hết vào mở quán "cà phê teen" dành cho giới trẻ. Phục vụ khách sinh viên là chủ yếu, đồ uống giá lại rẻ, lúc đầu, quán của Oanh tương đối đông khách. Tuy vậy, với điểm trừ là diện tích nhỏ hẹp, kinh nghiệm kinh doanh và quản lý của "bà chủ" chưa có, chỉ 3 tháng sau, quán đóng cửa.
Sau lần kinh doanh thất bại đầu tiên, Kiều Oanh phải nai lưng làm thêm để trả nợ. Cô vừa đi học, vừa vẽ tranh tường cho quán cà phê, cửa hàng thời trang... để có thêm thu nhập.
Vì có năng khiếu và được sự tin tưởng của nhiều khách hàng, cô gái trẻ khởi nghiệp lại với công việc mở xưởng tranh 3D. Tuy nhiên, sau đó, công việc ở xưởng tranh của Oanh không đều do bị cạnh tranh gắt gao. Dù vậy, suy nghĩ "thua keo này, bày keo khác" đã khiến cho Kiều Oanh duy trì được mô hình này.
Kiều Oanh cho biết, để có được công việc với thu nhập ổn định hiện nay, cô đã trải qua nhiều thất bại. Ảnh: NVCC. |
Năm 2011, Kiều Oanh tốt nghiệp đại học. Ngay lập tức, cô được bố mẹ sắp xếp một công việc ổn định ở doanh nghiệp nhà nước với mức thu nhập 10 triệu đồng một tháng. Bất đắc dĩ, Oanh phải đóng cửa xưởng tranh.
Công việc văn phòng chiếm trọn thời gian, khiến cô gái trẻ không còn lúc nào để sáng tạo. Một thời gian sau, Oanh quyết định nghỉ việc để dành toàn tâm toàn ý thực hiện ước mơ kinh doanh những mẫu cây trồng giúp giảm ô nhiễm không khí.
Dù vậy, gần một năm không có việc mới, Oanh lại loay hoay chưa tìm được lối đi. Một lần nữa, cô chuyển hướng kinh doanh quần áo, sách vỉa hè,… Song tất cả những công việc nói trên cũng không tạo cho cô cảm giác đam mê, muốn duy trì lâu.
Một lần đi uống cà phê, Oanh bị thu hút bởi những loại cây được trồng trong bình thủy tinh (cây không khí). Cô gái trẻ bật ra suy nghĩ, thay vì cố gượng làm những thứ to tát vượt ngoài khả năng, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé mà vẫn tạo ra được giá trị hữu ích cho cộng đồng. Từ đó, cô nảy ra ý tưởng trồng cây trong bình với thiết kế không gian xanh.
Liều và thành công nhờ "mang rác về nhà"
Quyết định lập nghiệp theo con đường mới, cô gái 27 tuổi bị cả gia đình phản đối kịch liệt. Không có một đồng vốn nào trong tay, Oanh phải bán một số vật dụng được 2 triệu đồng. Ngoài ra, cô cũng vay mượn thêm tiền từ bạn bè để sắm bình thủy tinh, cây xanh.
Chưa hết, khi quyết định lập nghiệp với cây xanh, cô phải một mình tự gia công các vật dụng bỏ đi như gỗ, vải lụa, rễ cây,… làm dụng cụ trang trí. "Khi đó, mọi người trong gia đình thường than phiền tại sao mình không làm công việc ổn định mà lại mang rác về nhà", Oanh kể lại.
Các công việc liên quan đến nhập nguyên liệu đối với Kiều Oanh khá khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Những loại cây như sen đá, xương rồng có chi phí cao do Oanh phải nhập từ Đà Lạt. Chậu thủy tinh được cô đặt hàng từ trước của các cơ sở sản xuất trong nước.
Các mẫu thiết kế kết hợp giữa cây xanh cùng với đá, sỏi giống như một khu sinh thái nên được gọi là "cây xanh thư giãn". Ảnh: NVCC. |
Ngoài nhập cây, thiết kế đồ trang trí, Oanh tự tìm hiểu một số kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cây mà các bạn trẻ đã lập nghiệp thành công. Cô lập một trang web bán hàng. Trang web thu hút khá nhiều khách.
Tưởng rằng mọi sự đã suôn sẻ, không ngờ đến tháng thứ hai, khách hàng phản hồi cây không ra màu như quảng cáo mà cứ bị ngả màu rồi héo. Cô chủ trẻ lo lắng, thức khuya dậy sớm theo dõi sự phát triển của cây. Khó khăn nhất là Oanh không có nhiều kiến thức sinh học nên chưa biết cách chăm sóc cây. Cô nhờ bạn bè, tự tìm hiểu để điều chỉnh phù hợp.
Cô gái trẻ cũng dần rút được kinh nghiệm. "Hạn chế của cây là hút ít nước và cần rất nhiều ánh sáng. Trong khi đó, người trồng khi chăm cây thường có thói quen tưới nước", Oanh chia sẻ. Để khắc phục, cô đã nghĩ ra cách cho thêm một lớp than đá hoạt tính hút ẩm có tác dụng chống úng. Ngoài ra, đích thân cô chủ còn hướng dẫn khách hàng cách chăm sao cho cây luôn đủ ánh sáng.
Duy Hân, bạn thân của Oanh, chia sẻ: "Ban đầu, mình không ủng hộ Oanh theo đuổi việc trồng cây tiểu cảnh này. Thứ nhất, công việc quá vất vả. Thứ hai, Oanh không biết nhiều về cây cối. Mình lo Oanh sẽ thất bại như các lần trước". Tuy nhiên, thấy bạn thân trăn trở, tính toán, nên Hân bị thuyết phục. Thậm chí, người bạn thân nhất của Oanh còn hỗ trợ vốn, giúp cô gái trẻ mở rộng thị trường.
Các sản phẩm đều do chính tay Kiều Oanh làm ra. Ảnh: NVCC. |
Khéo tay và là "dân" kiến trúc nên Oanh khá tự tin trong việc thiết kế. Mỗi mẫu cây tại cửa hàng mang hình dáng riêng có ý nghĩa, tạo cảm giác thích thú, thư giãn. Giá bán các loại cây này trung bình 150.000-600.000 đồng một chậu, tùy kích thước, mức độ cầu kỳ. Loại đắt nhất tại cửa hàng có giá gần 2 triệu đồng.
Oanh cho biết, mức giá này tương đối rẻ so với các loại cây kiểng. Bởi lẽ, sản phẩm tận dụng được các nguyên liệu bỏ đi làm đồ trang trí. Mặt khác, cô tự làm, tự bán, không qua trung gian. Cũng nhờ vậy, sau một tháng kinh doanh, cô gái trẻ đã thu hồi vốn. Hiện nay, cửa hàng có gần 100 mẫu cây các loại. Trừ các chi phí, mỗi tháng, Oanh có thu nhập 40 triệu đồng.
Ngoài bán những mẫu sẵn có, Oanh còn nhận làm theo mẫu khách yêu cầu. Các sản phẩm của Oanh chủ yếu được tiêu thụ ở TP HCM, Hải Phòng, Hà Nội,... Cô gái trẻ dự tính, đến cuối năm 2015, cô sẽ kết hợp với một cửa hàng khác cho ra đời dòng sản phẩm phục vụ khách hàng ở phân khúc cao cấp hơn.
Vũ Minh Hòa, học sinh trường THPT Minh Khai - một khách hàng quen thuộc của Kiều Oanh - cho hay, em thường xuyên mua cây cảnh mini vì các mẫu tạo đây khá đẹp mắt. "Trước kia, em có sở thích gấp hạc hoặc ngôi sao vào bình thủy tinh để tặng bạn hoặc chị em gái trong nhà nhưng giờ chuyển hẳn sang chơi tiểu cảnh mini. Sản phẩm này đẹp, vừa tạo không gian xanh cho góc nhà hay bàn làm việc nên khá ý nghĩa khi làm quà tặng", Hòa nói.