Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đầu ra của Nike, Adidas bị chặn khi các nhà máy châu Á dừng hoạt động

Các công ty may mặc và giày dép lớn nhất thế giới đang lao đao khi nhiều nhà máy sản xuất ở Đông Nam Á bị đình trệ vì đợt bùng phát dịch mới. 

Theo Bloomberg, trong vài tuần qua, một số nhà cung cấp của các tập đoàn toàn cầu như Nike Inc. và Adidas AG đã thông báo tạm dừng hoạt động nhà máy ở Việt Nam do các biện pháp hạn chế vì dịch Covid-19.

Hoạt động ở những nơi khác, chẳng hạn các nhà máy của Toyota Motor Corp. tại Thái Lan, cũng đang phải thu hẹp quy mô do nhiều quốc gia trong khu vực có số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục.

Các nhà máy tạm dừng hoạt động khi dây chuyền sản xuất đang chuẩn bị cho mùa mua sắm nghỉ lễ ở Mỹ và châu Âu. "Điều đó đồng nghĩa với việc giày dép và quần áo sẽ không kịp có trên kệ bán hàng ở nước ngoài trước Lễ Tạ ơn", Bloomberg dẫn lời ông Michael Laskau, nhà sáng lập Paradigm Shift (có trụ sở tại TP.HCM), bình luận.

Nha may o TP.HCM anh 1

Từ 0h ngày 15/7, doanh nghiệp tại TP.HCM phải lựa chọn hoặc bố trí chỗ ở tập trung cho lao động, hoặc tạm dừng sản xuất. Ảnh: Chí Hùng.

Thương mại hàng hóa từng là đệm giảm xóc hiếm hoi của nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh, nhất là đối với các quốc gia châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu. Sự xuất hiện của biến thể virus Delta ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đông Nam Á.

Chính quyền các nền kinh tế khu vực buộc phải đưa ra những quyết định không dễ dàng nhằm cân bằng giữa việc tiêm chủng và hạn chế di chuyển, trong khi vẫn giữ nền kinh tế phát triển.

Riêng tại Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện những bước quyết liệt để duy trì hoạt động của các nhà máy. Một số công ty điện tử và công nghệ cho người lao động ngủ qua đêm tại nhà máy.

Tuy nhiên, trong ngành công nghiệp may mặc, Feng Tay Enterprise Co., Pou Chen Corp., Sports Gear Co. và nhiều nhà sản xuất khác phải tạm dừng một số hoạt động.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam - cho biết hầu hết nhà cung cấp cho Nike và Adidas tại Việt Nam đều bị chặn đầu ra.

Sản lượng của hai công này chiếm khoảng 80% xuất khẩu giày dép của Việt Nam và sử dụng ít nhất 500.000 công nhân, tương đương khoảng một nửa lực lượng lao động của ngành giày dép Việt Nam.

Nha may o TP.HCM anh 2

Một doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM dựng lều cho công nhân ở lại. Ảnh: Chí Hùng.

Bà Xuân cho biết hiệp hội đang đề nghị Chính phủ xem xét lại những hạn chế về thời gian làm thêm giờ để các nhà máy có thể bù đắp năng suất bị mất khi mở cửa trở lại.

“Sức khỏe và sự an toàn của nhân viên của chúng tôi, cũng như các nhà cung cấp, vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, Nike cho biết trong một tuyên bố qua email. Công ty cũng cho biết vẫn đang làm việc với những nhà cung cấp để hỗ trợ họ đối phó với dịch bệnh.

Nhà máy tại Việt Nam của nhà sản xuất môtô Nidec Corp đã nối lại sản xuất tại TP.HCM sau khi tạm dừng hoạt động, nhưng chỉ với chưa đến 10% trong tổng số 6.000 nhân viên.

Prosperous Industrial Holdings Ltd. cũng thông báo ngừng sản xuất túi và bao bì tại Việt Nam từ ngày 22/7 đến ngày 1/8.

Trong khi đó, Toyota có kế hoạch đóng cửa ba nhà máy ở Thái Lan trong vòng một tuần. Sự gia tăng số ca nhiễm mới đã ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm phụ tùng, theo Nikkei Asian Review.

Chủ tịch EuroCham: 'Cần đảm bảo sinh kế cho người lao động trong dịch'

Theo Chủ tịch EuroCham, đẩy nhanh tiêm chủng sẽ đảm bảo an toàn và sinh kế cho người lao động. Ông khẳng định doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vượt qua đại dịch.

ADB hạ triển vọng tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á đang phát triển xuống còn 7,2%, so với mức 7,3% hồi tháng 4.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm