Tự nhiên lại gọi tên làng
Như là đứa trẻ lạc đường gọi cha
Giật mình như vạc ăn xa
Qua đêm mới kịp nhận ra chân trời!
Bàn chân nhẵn Bắc, Nam rồi
Thương về cái cổng cóc ngồi dầm mưa,
Miếng cà nhai tự ngày xưa
Bây giờ nghe lại vẫn chưa hết giòn!
Nghe bao lời phấn lời son
Rưng rưng lại ước mẹ còn… võng đưa…
Lời quê lắm nắng, nhiều mưa
Nắng mưa sao ngọt, cày bừa sao thơm!
Nhiều khi đói chả thèm cơm
Thèm lời chân thật được đơm cho đầy.
Đem mình làm cuộc trưng bày
Nhìn mình chỉ thấy mình đầy dấu quê.
Hồn như hạt cải, hạt kê
Gieo đi trăm ngả lại về làng xanh.
Câu thơ lạc chốn đô thành
Xin về ngọt với đất lành làng ơi!
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm:
Cảm hứng về quê làng đi vào văn chương, nghệ thuật rất nhiều, rất sớm, đến mức đã trở thành một dòng chảy lớn, có tính truyền thống. Viết về quê làng, lại sử dụng thể lục bát, lại càng là một lựa chọn phổ biến của nhiều thế hệ văn nhân qua nhiều thời đại. Trước di sản to lớn ấy, việc viết cho hay, cả về nội dung trữ tình và hình thức biểu đạt, quả không hề dễ dàng. Đó là một thử thách, nhưng cũng là sự vẫy gọi đối với người cầm bút.
Bài thơ Dấu quê của Nguyễn Minh Khiêm là một lần dòng cảm hứng truyền thống ấy kết tụ trong hình thức cũng có tính truyền thống - lục bát, đã đem đến cho người đọc ấn tượng thân thuộc, trìu mến, đong đầy những ký ức thương yêu.
Cuộc đời khiến chúng ta phải dấn bước, rời xa nơi chôn rau cắt rốn. Càng đi xa, càng nếm trải những lăn lộn của kiếp người, chúng ta càng thấm thía và nhớ thương khoảng trời quê cũ. Từ tên làng, tên xóm, cái cổng mưa xiêu vẹo, miếng cà giòn tự ấu thơ, tiếng võng mẹ đưa, lời quê chân thật với đất và người nẻo quê… cứ nhắc nhớ hoài trong những tháng năm biền biệt ra đi.
Dấu quê, ấy là căn cước, là mạch chỉ nối vào thăm thẳm thời gian. Nơi đó, ta nhận ra mình.