Đạo diễn Ngụy Minh Khang phải đi bán hủ tiếu trả nợ sau khi làm phim điện ảnh đầu tay |
Tôi là Ngụy Minh Khang, một người có tình yêu lớn lao với bộ môn nghệ thuật thứ 7.
Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, tình yêu điện ảnh của tôi được vun đắp qua những cuốn băng đĩa phim Châu Tinh Trì, Thành Long, Tom Cruise hay Leonardo Dicaprio… Lúc đó, tôi khao khát được làm phim, được kể những câu chuyện về tuổi thơ khốn khó, về chú chó bị bắt đi mất vào một buổi chiều.
Năm 2009, tôi theo học ngành diễn viên tại trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM (hệ B), với dự định sau đó sẽ đi làm vài năm rồi học tiếp lên đạo diễn. Trong thời gian còn đi học, tôi đã theo đoàn phim, làm trợ lý, phó đạo diễn cho những nhà làm phim nổi tiếng bấy giờ như Phương Điền, Tường Phương…
Trải qua 3 năm học diễn viên, 2 năm diễn quần chúng và 4 năm học đạo diễn, tôi đã có tác phẩm điện ảnh đầu tay, mang tên Kẻ trộm chó (2017).
Bán hủ tiếu để trả nợ sau phim điện ảnh đầu tay
Tuổi thơ tôi trải qua khó khăn, bố mẹ ly dị từ sớm, chỉ có chú chó nhỏ là bạn đồng hành. Vào một buổi chiều, người bạn thân duy nhất bị những tên trộm chó bắt mất, hình ảnh đó mãi in đậm trong tâm trí tôi. Lúc bấy giờ, khát khao duy nhất của tôi là làm một bộ phim về "người bạn bốn chân", như một cách lưu giữ những ký ức còn sót lại.
12 năm sau, bộ phim Kẻ trộm chó ra đời. May mắn là khi đó, trộm chó đang là một vấn nạn xã hội lớn, được nhiều người quan tâm, nên tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng phải cầm cố đất đai của gia đình, vay mượn thêm từ chú bác để gom góp làm phim.
Trước khi phát hành, tôi đã gửi phim cho rất nhiều người có uy tín trong nghề, thậm chí cả các đạo diễn nổi tiếng. Điểm chung là họ đều bảo rằng phim của tôi tốt, hoàn toàn có khả năng sinh lời.
Tuy nhiên, khi phim bắt đầu chiếu tại rạp, tình trạng doanh thu lại vô cùng tồi tệ. Lúc đó tôi còn quá trẻ, ngoài việc làm phim, tôi không có bất kỳ kiến thức nào liên quan đến phát hành. Tôi cứ nghĩ phản hồi của mọi người về phim tốt thì phim sẽ thắng lớn. Tôi còn nói với gia đình hãy yên tâm, phim sẽ có lãi. Vì sự ngây thơ đó, đến khi nhìn tổng kết doanh thu, tôi sốc đến mức ngất xỉu. Phim chỉ thu về dưới 3 tỷ đồng, mức lỗ đâu đó rơi vào khoảng 3 đến 4 tỷ.
Gia đình tôi khi đó than trời, khóc hết nước mắt vì bao nhiêu tài sản đã đổ hết vào phim. Bố mẹ cứ hỏi bao giờ lấy lại được tiền, tôi vì thế cũng không thể trả lời với họ rằng đã mất hết, dù thực tế là như vậy.
Thời điểm đó, tôi không dám về nhà, bởi nếu về sẽ bị mọi người xúm lại hỏi chuyện tiền bạc, còn ở TP.HCM thì lang thang nơi này chốn nọ, cô đơn vô cùng.
Ngụy Minh Khang cho rằng đứa con tinh thần của mình thất bại do quá trình marketing. |
Kẻ trộm chó ra mắt tháng 10/2017, tới tháng 12 năm đó, tôi phải đi bán hủ tiếu để trả nợ. 3 tháng trước, tôi là đạo diễn điện ảnh kiêm diễn viên chính, ra mắt họp báo, mặc vest. Nhưng cũng chỉ 3 tháng, tôi ra lề đường bán hủ tiếu. Khi đó cũng nhiều khách tới ăn nhận ra tôi, nhưng tôi xấu hổ quá, chỉ bảo “nhầm rồi”.
Thời điểm đó tôi bi quan kinh khủng, thấy mình bất tài, kém cỏi, không có khả năng làm phim. Anh Hứa Minh Đạt thỉnh thoảng tới chơi cũng động viên rất nhiều, nhưng tôi không cách nào vượt qua được. Tới bây giờ, tôi vẫn đang tiếp tục trả khoản nợ từ đợt làm phim đó.
“Thế nhưng, tôi không thể sống mà không làm phim”
Sau một năm bán hủ tiếu, tôi tiếp tục lỗ thêm 200 triệu đồng. Lúc đó tôi mới thấm thía câu nói của thầy Công Ninh, “Tột cùng của bi kịch là hỷ kịch”. Tôi chỉ còn biết cười trừ, thấy cuộc đời mình như một trò đùa - trò đùa của số phận.
Nhưng rồi chính số phận lại mở ra những ngã rẽ mà tôi không ngờ tới. Sau khi quán hủ tiếu thua lỗ, tôi chuyển sang bán lẩu dê. Mọi thứ dần khả quan hơn, quán làm ăn khấm khá, nợ cũng được trả dần.
Ngày nọ, tôi ra chợ mua xương về hầm súp thì bắt gặp một đoàn phim đang quay. Không rõ vì sao, tôi nán lại đó hơn một tiếng đồng hồ, chăm chú quan sát từng hoạt động, ngẫm nghĩ lại những gì đã diễn ra khi xưa. Lúc đó tôi nhận ra, đam mê làm phim vẫn luôn âm ỉ bên trong, chỉ là tôi đang cố gắng né tránh, không dám đối diện với nó. Tôi biết mình không thể sống mà không làm phim.
Dù quán đã bắt đầu làm ăn tốt, nhưng tôi chấp nhận bỏ hết để quay lại con đường nghệ thuật. Quyết định này rõ ràng khiến mẹ tôi không hài lòng, nhưng với lòng yêu thương con, bà vẫn ậm ừ cho qua.
Ngụy Minh Khang trở lại con đường làm phim bằng các phim ngắn chiếu trên MXH. |
Tôi đầu quân vào một công ty sản xuất phim ngắn để chiếu trên mạng xã hội. Cũng may khi đó, người điều hành công ty đã xem qua Kẻ trộm chó, ông tin tôi là người có tài và đã nhắn tin động viên rất nhiều. Những dòng khích lệ đó khiến tôi vỡ òa, sau nhiều năm nghĩ mình bất tài, kém cỏi.
Sau đó, tôi bắt tay sản xuất các tập phim ngắn mang tên Cháo trắng, với nội dung xoay quanh những câu chuyện cảm động thường ngày. Series thành công vượt ngoài kỳ vọng, liên tục đạt kỷ lục về số lượt xem trên Facebook, đỉnh điểm là một tập nhận được 4 triệu view chỉ sau 7 tiếng.
Đối với nhiều người, có lẽ việc làm phim ngắn trên mạng xã hội là một dạng đạo diễn “cấp thấp”. Nhưng với tôi, nó đem đến cuộc sống tốt hơn và giúp tôi trả nợ. Mang danh đạo diễn phim ngắn cũng không có gì đáng xấu hổ.
Tiếp đà thành công, web drama Bụi đời chợ quê bất ngờ nhận được hai giải thưởng tại Ngôi Sao Xanh 2022, từ đó mở ra con đường trở lại điện ảnh cho tôi.
Tôi đã nghĩ mình sẽ là đạo diễn phim ngắn mãi mãi, bởi từ điện ảnh xuống làm phim ngắn thì rất khó trở lại. Thế nhưng sau giải thưởng năm đó, một loạt nhà đầu tư đến mở lời, tạo cơ hội cho tôi thực hiện dự án điện ảnh thứ hai.
Với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, đứa con tinh thần tiếp theo của tôi sẽ được bấm máy vào cuối năm nay.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.