Trong khuôn khổ Lễ công bố và phát động cuộc thi phim ngắn Vietnamese 2024 do báo Thanh Niên tổ chức diễn ra ở TP.HCM, các nhà làm phim trao đổi, bàn luận về thị trường điện ảnh Việt và tương lai của các nhà làm phim trẻ trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế lẫn sự đe dọa từ các nền tảng xem phim trực tuyến, web lậu.
Phim Việt còn thua kém Thái Lan, Hàn Quốc
Tại buổi nói chuyện, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, thành viên hội động thẩm định cuộc thi, đánh giá đến thời điểm hiện tại, phim Việt chưa thể bằng phim Thái Lan, Hàn Quốc.
"Khi xem những phim Thái Lan đạt giải thưởng và thành công, mình thấy được chất riêng trong đó. Còn phim thương mại của Việt Nam, vẫn cảm giác đang lấy cảm hứng từ một bộ phim nước ngoài nào đó. Bản sắc là cái tạo ra sự đặc biệt cho phim thì thế hệ mình chưa làm được điều đó. Tôi mong rằng thế hệ trẻ làm phim sau này tạo ra được bản sắc cho phim và đi xa hơn nữa", đạo diễn nói.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ quan điểm về thị trường phim Việt tại sự kiện. |
Theo Nguyễn Quang Dũng, thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại còn nhiều khó khăn, không có quá nhiều đối tượng xem phim như các thị trường điện ảnh quốc tế. Vì thế nhà làm phim gặp nhiều bất lợi.
"Ở thị trường quốc tế, nhiều nhà làm phim độc lập vẫn có thể thu hồi vốn dễ dàng, sống khỏe nhờ có một lượng khán giả nhất định. Còn ở Việt Nam, nếu bạn không nằm trong top 3 đạo diễn hàng đầu thì hơi khó sống. Tuy nhiên, càng ngày thị trường càng mở rộng. Tôi hy vọng đối tượng khán giả được nới ra, không chỉ người xem đại chúng, cũng đủ nuôi sống các đạo diễn để họ tiếp tục làm phim", nam đạo diễn cho biết.
Trước câu hỏi làm sao để tạo ra một bộ phim điện ảnh vẫn mang bản sắc của đạo diễn nhưng đánh trúng thị hiếu khán giả để có doanh thu tốt ngoài rạp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay người ta thường nói có một công thức làm phim thị trường song không phải ai cũng làm được. Bản thân anh có những phim thu hút khán giả tại rạp nhưng đó chỉ là sự may mắn khi đạo diễn và người xem cùng tần số.
Bản chất của đạo diễn là người sáng tạo. Vì thế, người làm phim hãy chuyên tâm tạo ra những tác phẩm mang lại cảm xúc, tạo sự đồng cảm nơi người xem. Còn vấn đề phân phối, phát hành và lan tỏa tác phẩm hãy để cho nhà đầu tư, đơn vị phát hành...
"Đạo diễn là người nhiều chuyện cần cảm xúc và có tài năng. Nếu đạo diễn chuyên nghiệp buộc phải quản lý được cảm xúc của đối tượng khách hàng. Ngoài ra, nhà làm phim cũng phải chuyển tải hết cảm xúc đến người xem nhiều nhất có thể. Thời gian đầu khi phim ra rạp, tôi thường đến ngồi để xem phản ứng của khán giả và chỉnh sửa những hạn chế. Người thành công buộc phải có khả năng tự học. Sự tự học chứng minh đam mê, tìm tòi góc nhìn. Ngoài học ở trường, kinh nghiệm từ người đi trước, tự học rất quan trọng", Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.
Theo anh, một bộ phim điện ảnh hay là phải tạo ra sự độc đáo. Đạo diễn biết cách kể chuyện và tạo ra sự đồng cảm cho khán giả. Điều tối kỵ của một nhà làm phim là bắt chước theo người khác.
Với thế hệ làm phim trẻ hiện tại, Nguyễn Quang Dũng cho biết họ có nhiều thuận lợi hơn so với đàn anh trong quá trình học và làm phim. Song áp lực lớn nhất của họ là sự cạnh tranh, không chỉ trong nước mà còn quốc tế.
Vì thế, đạo diễn Đất rừng phương Nam đưa ra lời khuyên: "Thị trường càng nhiều cạnh tranh, bạn phải đưa ra cái gì độc đáo, tốt nhất của mình. Đừng thấy ai làm gì hay cũng bắt chước".
Phim ngắn là tấm vé thông hành
Theo nhà sản xuất Hoàng Thanh Huyền, vài năm gần đây, doanh thu phim Việt khởi sắc. Song phần lớn doanh thu chỉ rơi vào vài cái tên nhất định như Lý Hải, Trấn Thành. Không phải đạo diễn nào ra phim cũng thành công. Đây là thực tiễn chung ở bất cứ ngành nghề nào, không chỉ riêng điện ảnh. Thành công ít, thất bại nhiều hơn. Nhưng không phải vì thế mà các đạo diễn khác chùn chân, không dám dấn thân.
"Phim ngắn là tấm vé thông hành ngắn nhất, đưa các nhà làm phim đến với nhà đầu tư", nhà sản xuất Hoàng Thanh Huyền nhìn nhận. |
Đánh giá về thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại, nhà sản xuất nói vấn đề quan trọng nhất là thiếu hụt nhân lực ở các mảng. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cần được ưu tiên.
"Các đạo diễn vẫn đang ưu tiên cho những cái quen thuộc, là ngôi sao phòng vé để mang lại sự tin tưởng, an toàn cho nhà đầu tư. Vì vậy, nhiều diễn viên, nhà làm phim trẻ không có cơ hội. Tôi khuyên các bạn trẻ là hãy cố gắng làm ra sản phẩm. Trong đó, phim ngắn là cách đơn giản nhất để các nhà đầu tư xem xét, suy nghĩ xem có rót tiền hay không", bà Huyền trao đổi.
Nhà sản xuất Hoàng Thanh Huyền nhìn nhận thông qua phim ngắn, các nhà đầu tư sẽ thấy được tư duy, góc nhìn, kỹ thuật làm phim mới từ những nhà làm phim trẻ.
"Rõ ràng phim ngắn là tấm vé thông hành ngắn nhất, đưa các nhà làm phim đến với nhà đầu tư. Phim ngắn rất khó làm, vì thời lượng dưới 40 phút. Song các nền tảng phim, cuộc thi phim trên thế giới hiện tại đều chuộng phim ngắn. Từ việc làm phim ngắn, có thể dẫn bạn tới con đường làm đạo diễn điện ảnh hay những series nhiều tập", bà Huyền kết luận.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.