Như bất kỳ thị trường nào khác, việc đầu tư vào phim điện ảnh ở Hàn Quốc lẫn Trung Quốc đầy rủi ro. Dẫn đến, các nhà đầu tư đang dần quay lưng với điện ảnh, đặc biệt ở Hàn Quốc. Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim là 2019, phim Hàn cũng đối mặt với tình trạng lỗ vốn.
Cách ăn chia doanh thu tại Hàn Quốc
Theo Brainy, tại Hàn Quốc, từ doanh thu phim, 10% đóng thuế giá trị gia tăng và 3% cho quỹ phát triển phim. Trong 87% còn lại, 45% về túi rạp chiếu và 55% cho nhà sản xuất, phân phối.
Tuy nhiên, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận ở mỗi rạp khác nhau. Chẳng hạn, khi phim chiếu ở CJ CGV, Lotte Cinema, rạp chiếu sẽ nhận 45% và 55% còn lại cho nhà sản xuất, phân phối. Với Megabox, tỷ lệ được chia là 50-50.
Năm 2019, phim điện ảnh Extreme Job ghi nhận doanh thu xấp xỉ 137,7 tỷ won (hơn 100 triệu USD), cao nhất từ trước đến thời điểm đó đối với một bộ phim Hàn Quốc, theo KBS. Tổng chi phí sản xuất của Extreme Job khoảng 9,5 tỷ won (7 triệu USD), tức doanh thu gần gấp 15 lần chi phí sản xuất.
Trong tổng doanh thu 138 tỷ won, 10% hay 13,8 tỷ won (10 triệu USD) được chuyển vào thuế giá trị gia tăng và 3% hay 4,1 tỷ won (3 triệu USD) được chuyển vào quỹ phát triển phim. Khoảng 120,1 tỷ won (87,7 triệu USD) còn lại được phân bổ giữa các rạp và nhà sản xuất, phân phối theo tỷ lệ quy định.
Rất khó để đưa ra con số chính xác vì tỷ lệ ăn chia cũng khác nhau giữa thủ đô Seoul và các khu vực khác.
Nhưng nếu theo tỷ lệ phân phối của CGV và Lotte Cinema, hai rạp lớn nhất chiếm 78% doanh thu của Hàn Quốc, rạp phim nắm giữ khoảng 54 tỷ won, tức 45% trong số 120,1 tỷ won. 66,1 tỷ won còn lại được chia cho nhà phân phối (10%) và nhà đầu tư, công ty sản xuất. Tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận điển hình giữa nhà đầu tư và công ty sản xuất phim Hàn Quốc là 6:4.
Tức, các nhà đầu tư có thể nhận gần 40 tỷ won, tương đương 60%. 40% còn lại, tương đương hơn 20 tỷ won, thuộc về công ty sản xuất. Nói cách khác, ước tính công ty sản xuất Extreme Job thu về khoảng 20 tỷ won trong tổng số 138 tỷ won tiền bán vé. Đạo diễn và dàn diễn viên ngoài cát-xê ban đầu cũng được nhận thêm khoản tiền tương ứng với thành tích phòng vé dựa trên các điều khoản của hợp đồng nội bộ.
Số tiền nhà sản xuất thu về ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, theo Sohu, đầu tiên, các nhà phân phối và chiếu phim phải nộp thuế kinh doanh 3,3% trên tổng doanh thu phòng vé. Tiếp đó, 5% doanh thu phòng vé còn lại sau thuế được nộp cho Văn phòng Quỹ Điện ảnh Quốc gia dưới dạng quỹ điện ảnh chuyên dụng. 91,7% còn lại được gọi là doanh thu phòng vé ròng.
Theo Toutiao, China Film Digital thuộc Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc thu 1-3% phí đại lý phân phối. Phim có doanh thu phòng vé trên 600 triệu NDT (gần 83 triệu USD) không thu phí đại lý.
Trong doanh thu phòng vé ròng còn lại, nhà sản xuất, phân phối nhận được 43% và 57% cho các rạp. Tuy nhiên, cũng có tình huống đặc biệt. Chẳng hạn, một bộ phim không đủ sức cạnh tranh và để tăng lượng suất u, nhà sản xuất hứa trả thêm 3-5% doanh thu phòng vé ròng sau khi trừ phí đại lý cho các rạp chiếu. Trong trường hợp này, nhà rạp sẽ nhận được 60-63% doanh thu phòng vé ròng.
Về cách phân chia tiền giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, do phương thức hợp tác, tỷ lệ cổ phần của mỗi bộ phim khác nhau nên khó có thể đưa ra con số cụ thể.
Tuy nhiên, có nguồn tin tiết lộ các nhà phát hành thường nhận 5%-15% doanh thu phòng vé ròng sau khi trừ phí đại lý. Nhà sản xuất có thể thu khoảng 28-38%.
Với câu hỏi lương đạo diễn có thể là bao nhiêu, câu trả lời còn phụ thuộc vào công việc cụ thể của từng người. Chẳng hạn, nếu đạo diễn tự viết kịch bản, chỉ đạo, diễn xuất hoặc thậm chí là nhà đầu tư, thu nhập chắc chắn cao hơn thông thường.
Chẳng hạn ở Xin chào, Lý Hoán Anh, Gia Linh viết kịch bản, làm đạo diễn, đóng vai chính và là một trong những nhà đầu tư. Công ty do Gia Linh đứng đầu, Beijing Dawan Entertainment, đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư. Theo nguyên tắc tối đa hóa doanh thu tại Quốc, tỷ lệ doanh thu của Beijing Dawan Entertainment nằm trong khoảng từ 0,94-5,96%. Theo dữ liệu của Tianyancha, Gia Linh chiếm 65% cổ phần của Dawan Entertainment.
Do đó, nếu Xin chào, Lý Hoán Anh đạt doanh thu hơn 5 tỷ NDT như Sina đưa tin vào tháng 3/2021, Gia Linh có thể nhận từ 12,08 triệu NDT đến 76,7 triệu NDT. Tuy nhiên, Peopleapp cho biết đây chỉ là ước tính và tình hình phân phối cụ thể vẫn còn nhiều biến số.
Rủi ro từ đầu tư phim
Theo Hankookilbo, ngoài một số dự án hiếm hoi như The Roundup: Punishment hay Exhuma, phần nhiều phim Hàn ra mắt thời gian qua không kiếm được tiền ở rạp. Số lượng phim làm xong nhưng không thể ra mắt ngày càng chồng chất. Do đó, rất ít nhà đầu tư dám bỏ tiền vào phim Hàn Quốc. Hoặc nếu có, vốn đầu tư chỉ tập trung cho các dự án “bom tấn”.
Các nhà đầu tư đang rút lui khỏi phim Hàn. Một bộ phim thương mại có kinh phí sản xuất trung bình 10 tỷ won được coi không khác gì "bản án tử hình". Các nhà đầu tư tài chính giống ong đi theo mật, đổ xô đến những nơi có lãi và không đến những nơi không có lãi.
2019 là thời điểm hoàng kim của Hàn Quốc khi có tới 3 phim vượt 10 triệu vé là Parasite, Extreme Job và Lối thoát trên không.
Lúc này lợi nhuận thu được là bao nhiêu? 80% doanh thu phim Hàn Quốc đến từ rạp chiếu và 20% đến từ việc bán bản quyền bổ sung. Vì vậy, để một bộ phim có thể tạo ra lợi nhuận tương xứng với số tiền đầu tư thì ít nhất nó phải đạt điểm hòa vốn tại rạp.
Tuy nhiên, ngay cả ở thời đỉnh cao, theo tính toán của Ủy ban Youngjin, tỷ suất lợi nhuận dựa trên doanh thu rạp của 45 phim thương mại ra mắt năm 2019 là -21,5%. Nếu tính cả tiền bán bản quyền bổ sung, tỷ lệ hoàn vốn là 5,9%.
Năm 2022, khi ngành công nghiệp điện ảnh khởi động lại với tham vọng phục hồi, tỷ suất lợi nhuận dựa trên doanh thu rạp của 35 phim thương mại Hàn Quốc là -39,2%. Như vậy, khoản lỗ tăng gấp đôi so với năm 2019. 35 phim tiêu tốn 450 tỷ won tiền đầu tư nhưng rồi họ nhận lại khoản lỗ 180 tỷ won.
Trong bối cảnh đó, hình thức huy động vốn cộng đồng trở nên phổ biến. Nhưng đương nhiên, vẫn chỉ những dự án có tỷ lệ thành công cao mới thu hút các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư cá nhân.
Chẳng hạn The Roundup: No Way Out vượt mục tiêu là 1 tỷ won chỉ sau một giờ tìm kiếm nhà đầu tư trên nền tảng Funderpool. Funder Pool ban đầu dự định huy động 500 triệu won, nhưng vào ngày mở hệ thống, các nhà đầu tư đã đổ xô đến và nâng số tiền lên 1 tỷ won. Với The Roundup: No Way Out, mỗi người có thể đầu tư tối thiểu 500.000 won, tối đa 100 triệu won và trên cơ sở ai đến trước được đầu tư trước.
Ở Trung Quốc, rất nhiều cạm bẫy được giăng ra dưới vỏ bọc đầu tư phim ảnh, không chỉ rủi ro phim thua lỗ mà tình trạng phổ biến hơn là bị lừa đảo. STCN đưa tin vào tháng 1, ê-kíp sản xuất Nhiệt lạt cổn năng phải đăng bài cảnh báo bởi công ty sản xuất liên tục bị kẻ xấu mạo danh nhằm lừa đảo các cá nhân, tổ chức với danh nghĩa đầu tư phim. Rất nhiều dự án khác như Mãn giang hồng, Địa cầu lưu lạc 2... rơi vào tình trạng tương tự.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.