Thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển sôi động sau đại dịch Covid-19. Không ít tác phẩm “đắp chiếu” trong vài năm qua đã có cơ hội ra mắt khán giả trong nước thời gian qua.
Tuy nhiên, số lượng không đồng đều với chất lượng khiến điện ảnh nước nhà chứng kiến hàng loạt cú ngã ngựa ở phòng vé. Thất bại nặng nề nhất phải kể đến là 578: Phát đạn của kẻ điên (đầu tư: 60 tỷ đồng, thu về: hơn 3,5 tỷ đồng). Kế đến là những phim như Virus cuồng loạn, Huyền sử vua Đinh.
Sau mỗi vấp ngã, câu hỏi về nguyên nhân thất bại lại tiếp tục được đưa ra mổ xẻ, bàn luận. Một số nhìn trực diện, thừa nhận những thiếu sót về chất lượng, song cũng có những nhà làm phim đổ lỗi cho nhà phát hành, nhà rạp chèn ép, không ưu tiên điện ảnh nội địa.
Gần đây, không ít đạo diễn Việt viện lý do hoàn cảnh. Cụ thể, họ cho rằng khán giả Việt không mua vé ra rạp vì bận xem World Cup, SEA Games hoặc do thời tiết mưa gió…
"Phim Việt thua vì... khán giả mải xem World Cup, SEA Games"
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, có khoảng 35 phim Việt được phát hành, trong đó có hơn 22 tác phẩm chỉ đạt doanh thu dưới 10 tỷ đồng (chiếm 62,8%). Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là phim Việt duy nhất cán mốc 100 tỷ đồng. Bộ phim có doanh thu thấp nhất là Huyền sử vua Đinh (hơn 42 triệu đồng), xếp sau là Virus cuồng loạn (157,2 triệu đồng).
Hàng loạt bộ phim có doanh thu bết bát nối tiếp nhau có thể kể đến như Người tình, Duyên ma, 578: Phát đạn của kẻ đen, Kẻ thứ ba, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác…
Hàng chục phim Việt lỗ nặng trong năm 2022. |
Nếu nhìn tổng quan bản đồ điện ảnh Việt trong 5 năm qua, năm 2022 được đánh giá là "vùng trũng" dù trước đó giới quan sát từng hy vọng về sự khởi sắc mạnh mẽ. Đáng nói, nhiều tác phẩm Việt có mức đầu tư lớn như 578: Phát đạn của kẻ điên (60 tỷ đồng), Kẻ thứ ba (33 tỷ đồng) và Maika - cô bé đến từ hành tinh khác (30 tỷ đồng) nhưng đều không thu hút được khán giả.
Trên thực tế, đầu tư phim ảnh luôn là cuộc chiến rủi ro, bấp bênh. Khi phim thất bại, người phải chịu thiệt hại lớn nhất là nhà sản xuất và các bên đầu tư đứng sau. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận được sự thất bại xuất phát trước hết từ phim như Charlie Nguyễn từng làm được với Người cần quên phải nhớ. Thay vào đó, nhiều đạo diễn luôn tìm cách đổ lỗi cho bên thứ ba là nhà phát hành, nhà rạp. Không ít trường hợp lập luận rằng phim vắng người xem vì những sự kiện giải trí lớn như World Cup, SEA Games.
Đơn cử, khi bàn về sự thua lỗ của 578: Phát đạn của kẻ điên, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ với Zing trong bài phỏng vấn vào tháng 3: “Phim bất lợi vì ra mắt vào đúng mùa SEA Games 31 diễn ra rồi thời tiết mưa dầm dề kéo dài”.
Ngoài ra, đạo diễn còn cho rằng phim thất bại vì bị nhiều người “chơi xấu”. “Bộ phim bị hủy hoại khi ra rạp từ những ngày đầu. Nhiều khán giả thiệt thòi khi không được theo dõi tác phẩm lúc công chiếu. Trước khi vào TP.HCM để ra mắt phim, nhiều người bạn nhắn tôi: 'Phim sẽ bị chơi xấu, cẩn thận đấy. Phim chưa ra mắt đã có nhóm chờ sẵn rồi'. Bây giờ thì những điều đó hiện diện trên mạng xã hội. Bằng nhiều trò khác nhau, các nhóm đó tìm mọi cách để phá hoại tác phẩm của tôi”, Lương Đình Dũng kể.
Huyền sử vua Đinh thất bại, đạo diễn đổ lỗi cho nhà phát hành và khán giả mải xem World Cup. |
Sau cùng, đạo diễn quyết định rút phim khỏi hệ thống rạp chiếu ở Việt Nam với doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng.
Trường hợp tương tự là Huyền sử vua Đinh cũng rời rạp sau 10 ngày phát hành. Khi bàn về nguyên nhân phim có doanh thu thấp kỷ lục, đạo diễn Anthony Võ cho biết đứa con tinh thần gặp nhiều khó khăn khi ra rạp. Tác phẩm phải đối đầu với loạt phim ngoại lớn nhỏ. Các nhà rạp không tạo điều kiện, hỗ trợ để phim có những suất chiếu tốt.
Sau khi đổ lỗi cho nhà rạp, đạo diễn lại tiếp tục lập luận rằng khán giả không mua vé ra rạp vì thời điểm phát hành trùng với World Cup đang sôi động.
“Thời điểm này, nhà nhà, người người đều tập trung coi World Cup. Khán giả cũng ít mua vé ra rạp xem phim”, anh nói với Zing.
Trong khi các nhà làm phim Việt bận đổ lỗi cho World Cup, Sea Games, khán giả thì cũng tại hệ thống rạp trong nước, nhiều tác phẩm điện ảnh của Thái Lan, Hàn Quốc, Hollywood lại oanh tạc về doanh thu. Điển hình, Ngược dòng thời gian để yêu anh (đạo diễn: Adisorn Tresirikasem thu về trên 84 tỷ đồng; Bỗng dưng trúng số (đạo diễn: Park Gyu Tae, 181 tỷ đồng)…
Những con số kể trên là minh chứng cho việc phim thất bại không phải đến từ nhà rạp, nhà phát hành hay do khán giả mải mê coi World Cup, SEA Games.
Không nên né tránh lý do phim Việt thất bại doanh thu
Tình trạng phim thua, đạo diễn, nhà sản xuất đổ lỗi cho một bên thứ ba là điều không xa lạ ở Việt Nam. Nhớ lại trường hợp của Võ sinh đại chiến (2021) đầu tư hơn 25 tỷ đồng nhưng thu chưa đầy 1,4 tỷ đồng sau 6 ngày trình chiếu. Sau khi quyết định rút phim khỏi rạp, đạo diễn Bá Cường lên tiếng chỉ trích nhà rạp, nhà phát hành chèn ép, khiến tác phẩm thất bại nặng nề.
Tuy nhiên, sau mỗi thất bại, ê-kíp làm phim nên ngồi lại với nhau và có cái nhìn công tâm về nguyên nhân tác phẩm kém thu hút thay vì đổ lỗi cho các lý do khách quan khác.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ với Zing: "Tôi nghĩ rằng với thất bại, mỗi cá nhân nên đối diện một cách chân thành, không né tránh nhưng cũng không tiêu cực, trù dập bản thân. Có phim mình thích, khán giả chưa chắc đã đồng cảm được. Mỗi tác phẩm là một trải nghiệm trong cuộc đời làm phim. Trong sự nghiệp, khó ai không bao giờ gặp thất bại".
Phim Việt muốn thu hút khán giả cần tập trung vào chất lượng phim. |
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng chuyện thắng và thua trong điện ảnh là điều bình thường. Anh khẳng định có nhiều yếu tố dẫn tới việc một bộ phim không thành công. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm.
Theo đạo diễn Lý Hải, để thu hút khán giả quay lại với phim Việt, không còn giải pháp nào khác ngoài việc nhà sản xuất, đạo diễn buộc phải nâng cao chất lượng tác phẩm.
"Chất lượng phim quyết định sự sống còn của điện ảnh Việt dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa", đạo diễn khẳng định.
Cuộc đua phòng vé Việt ngày càng trở nên khốc liệt khi vừa cạnh tranh lẫn nhau, vừa phải đối đầu với hàng loạt tác phẩm lớn nhỏ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế, một bộ phim muốn chạm đến thành công phải trang bị nhiều "vũ khí" trước khi quyết định trình làng.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.