Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau việc hàng loạt local brand Việt Nam đóng cửa

Những thương hiệu luôn đổi mới, sáng tạo vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội trong khi các thương hiệu khác đuối sức và phải rời cuộc chơi.

Nhóm nhạc Hàn Quốc aespa mặc trang phục từ local brand Việt Nam. Ảnh: @aespa.

Catsa, Elpis, Miều, Lep'... là các local brand Việt đã phải nối gót nhau đóng cửa trong thời gian vừa qua. Việc nhiều thương hiệu lớn rời cuộc chơi phản ánh một phần sự khó khăn và cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ thời trang trong nước. Dù vậy, tổng thể bức tranh này không chỉ có những gam màu xám xịt.

Cạnh trạnh không phải là chuyện mới

Trong bài đăng thông báo dừng hoạt động của Lep’ ngày 14/11, Ngọc Trâm, nhà sáng lập local brand này đưa ra lý do “không còn theo kịp thị trường thay đổi chóng mặt hàng ngày, muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp”.

Với CATSA, nhà sáng lập Linh Cát cho biết việc đóng cửa đã được lên kế hoạch từ cuối năm 2023 khi cô nhận thấy việc kinh doanh đạt đến ngưỡng phát triển nhất định, khó có thể phát triển thêm nữa.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, anh Nguyễn Lê Vũ Linh, CEO IVY moda cho biết thương hiệu cũng bị ảnh hưởng bới chi phí tăng cao thời gian qua bao gồm chi phí mặt bằng, phí sàn TMĐT, chi phí nguyên vật liệu và sản xuất. Ngoài ra, khách hàng cũng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên cũng thắt chặt túi tiền.

"Khó khăn mà các thương hiệu bán lẻ thời trang đang gặp phải là việc xả hàng tồn của những năm trước để giảm tải đọng vốn và tối ưu dòng tiền, dẫn đến tự đẩy nhau vào một vòng xoay của chiết khấu giá bán", anh Linh nói thêm.

CEO IVY moda khẳng định đây chính là "con dao giết chết" thương hiệu và doanh nghiệp nếu người quản lý không tỉnh táo.

LSOUL,  quoc te,  IVY moda anh 1

CEO IVY moda Nguyễn Lê Vũ Linh. Ảnh: NVCC.

Dù vậy, anh Linh vẫn cho rằng sự cạnh tranh ở thị trường bán lẻ, nhất là bán lẻ thời trang là điều không thể tránh khỏi.

Đồng quan điểm, anh Phan Ngọc Tú - Giám đốc thương hiệu LSOUL nhận định sự cạnh tranh gay gắt của thị trường thời trang vẫn tồn tại từ trước đến nay.

"Các local brand không cạnh tranh với nhau thì cũng cạnh tranh với những nhãn hàng, nhà xưởng quốc tế", anh Tú cho biết.

Lý giải nguyên do nhiều local brand Việt đóng cửa thời gian qua, anh Tú nhận định có rất nhiều yếu tố tác động như lý do cá nhân, thay đổi phương hướng kinh doanh. Ngoài ra, có những brand có thể đóng cửa 1 nhánh để dồn lực vào một tệp người dùng khác.

Một chuyên gia đã có 15 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ và tư vấn bán lẻ thời trang nhận định thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt chính là một chiếc phễu lọc những thương hiệu ít đổi mới và sáng tạo. Phần lớn thương hiệu đóng cửa đều có hình ảnh cũng như sản phẩm không còn phù hợp với thị hiếu khách hàng thậm chí có phần cũ kỹ, lỗi thời.

"Việc làm mới lại hình ảnh và sản phẩm vốn đã in sâu vào tâm trí của khách hàng tốn rất nhiều thời gian và công sức mà không đảm bảo tính hiệu quả. Việc cắt lỗ đúng thời điểm để chuyển hướng sang xây dựng một thương hiệu mới là lựa chọn an toàn hơn", chuyên gia cho biết.

Điểm sáng

Vị chuyên gia nói thêm thị trường bán lẻ thời trang vẫn có nhiều điểm sáng khi các sản phẩm ngày càng đa dạng, hoàn thiện và có sức hút với cả khách hàng trên toàn cầu. Vị này dẫn chứng trường hợp của LSOUL, FANCì Club, Blanke Space... là các thương hiệu Việt Nam được các ngôi sao của Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan yêu thích lựa chọn từ đó dần được quốc tế hóa.

Với LSOUL, thương hiệu này cho biết sẽ mở rộng thương hiệu về cả mặt hình ảnh truyền thông hay cả câu chuyện sản phẩm, phân phối sản phẩm.

Anh Phan Ngọc Tú cho hay thương hiệu vừa cho ra mắt dự án quảng cáo được dàn dựng với quy mô của một show truyền hình thực tế trong bối cảnh các video hay lookbook quảng cáo đã có dấu hiệu bão hòa. Ngoài ra, thương hiệu sẽ có cửa hàng đầu tiên tại Thái Lan khai trương vào tháng 12.

Giám đốc thương hiệu LSOUL tiết lộ thêm rằng đang tiếp xúc với các nhà đầu tư lớn khác tại thị trường Trung Quốc với kỳ vọng trong năm sau sẽ sớm có mặt tại thị trường tỷ dân.

Trong khi đó, CEO IVY Moda cho biết doanh nghiệp hiện chú trọng vào việc tối ưu bộ máy nhân sự, chi phí mặt bằng và chú trọng phát triển sản phẩm.

Cụ thể, thương hiệu sẽ tập trung vào chiến lược làm tốt phân khúc IVY moda và Metagent (thời trang nam và nữ) trong nước và phát triển nhóm sản phẩm riêng để đi ra thị trường nước ngoài.

"Ở thời điểm này, chúng tôi đã giảm số lượng đầu mẫu 1 vụ xuống để làm tinh hơn, do vậy diện tích của cửa hàng cũng không cần phải lớn như trước đây. Việc giảm diện tích cửa hàng xuống sẽ giúp chúng tôi tối ưu được chi phí mặt bằng, và tối ưu được cả việc tìm mặt bằng mới nhanh và dễ hơn", anh Linh chia sẻ.

Uniqlo mở cửa hàng flagship toàn cầu thứ 16 sau năm lãi 3 tỷ USD

Ông lớn thời trang Nhật Bản Uniqlo vừa khai trương cửa hàng flagship toàn cầu tiếp theo ở Shinjuku (Nhật Bản) khi du lịch liên tục bùng nổ tại khu vực này.

Thương hiệu thời trang 13 năm tuổi ở TP.HCM đóng toàn bộ 22 cửa hàng

Thương hiệu CATSA đã đóng 14/22 cửa hàng và sẽ ngừng kinh doanh toàn bộ chi nhánh vào tháng 8.

Cảnh trái ngược ở thị trường local brand Việt

Trong khi các thương hiệu thời trang nội địa Lep’, Elpis, Catsa đồng loạt đóng cửa vào cuối năm nay, một số local brand như FANCì Club hay L Soul lại đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm