Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đằng sau phản ứng gay gắt bất thường của 'Vua Bibi' với ông Biden

Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu từ lâu đã có quan hệ cơm không lành canh chẳng ngọt, những tranh cãi tuần qua khiến quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo càng căng thẳng.

biden netanyahu anh 1

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vấp phải phản ứng gay gắt đặc biệt khác thường từ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, sau khi ông chủ Nhà Trắng bình luận khuyến nghị Israel không nên tiếp tục theo đuổi kế hoạch cải cách tư pháp.

"Israel là quốc gia có chủ quyền, các quyết sách được đưa ra theo nguyện vọng của người dân chứ không bởi sức ép từ bên ngoài, kể cả từ những người bạn tốt nhất", Thủ tướng Netanyahu nói hôm 29/3, đồng thời cáo buộc Tổng thống Biden đang can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, theo New York Times.

Bất hòa từ lâu

Mối bất hòa giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu - thường được gọi là "Vua Bibi" - không phải chỉ mới nhen nhóm.

Ông Netanyahu chưa từng che giấu ý định ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2020. Nhà lãnh đạo Israel thẳng thừng thể hiện sự yêu thích của mình với ông Trump, người đã chiều lòng Tel Aviv suốt 4 năm cầm quyền với nhiều chính sách gây tranh cãi, như chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem.

Trong khi đó, Tổng thống Biden coi ông Netanyahu đã ngang nhiên can thiệp vào quy trình lập pháp của Mỹ. Nguyên nhân bởi năm 2015, Thủ tướng Netanyahu phát biểu trước quốc hội Mỹ, công khai lên án thỏa thuận hạt nhân với Iran là "ác mộng". Thỏa thuận hạt nhân Iran là nỗ lực của chính quyền Obama - Biden nhưng sau này bị ông Trump bỏ rơi.

biden netanyahu anh 2

Thủ tướng Netanyahu có quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Trump. Ảnh: AP.

Khi đó, ông Netanyahu bác bỏ cáo buộc rằng ông đang can thiệp vào chính trị nội bộ của Mỹ. Thay vào đó, nhà lãnh đạo khẳng định ông chỉ phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran bởi văn kiện này làm suy yếu an ninh của Israel.

Các cựu quan chức từng tham gia định hình chính sách của Mỹ với Israel gọi cuộc khủng hoảng hiện nay giữa hai nước là điều bất thường.

"Tôi chưa từng thấy bất cứ chính quyền nào phản ứng với một trong trào mới ở Israel với cường độ, mức độ như hiện nay", Aaron David Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét.

Diễn biến những tuần gần đây đã làm thay đổi cách nhìn của Thủ tướng Netanyahu về Mỹ. Nhiều quan chức chính quyền Tổng thống Biden lo ngại xung đột giữa Washington với chính quyền cánh hữu tại Israel hiện nay có thể tiếp tục leo thang.

Xung đột giữa Tel Aviv và Washington bùng phát hôm 27/2 sau khi đại sứ Mỹ tại Israel nói ông Netanyahu sẽ sớm được chào đón ở Washington, theo Reuters. Thế nhưng, Tổng thống Biden lại tuyên bố ông Netanyahu sẽ không được mời tới thăm Mỹ trong thời gian tới.

Sau khi bị phế truất năm 2021, ông Netanyahu tái đắc cử ghế thủ tướng nhờ tập hợp một liên minh với nhiều thành phần cực hữu và tôn giáo cực đoan. Chính quyền Tổng thống Biden hoài nghi về quyền lực thực sự của ông Netanyahu với liên minh cầm quyền hiện nay.

Khúc mắc trong quan hệ

Tranh cãi với Thủ tướng Netanyahu khiến Tổng thống Biden rơi vào thế khó xử bởi tuần qua Nhà Trắng tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm thúc đẩy các giá trị tự do dân chủ.

Thủ tướng Netanyahu được mời tham dự trực tuyến và phát biểu, dù rằng chính phủ cực hữu do đảng Likud dẫn đầu đang theo đuổi kế hoạch cải cách tư pháp bị chỉ trích có thể làm lung lay tận gốc nền dân chủ của Israel.

Hôm 27/3, Thủ tướng Netanyahu quyết định tạm dừng kế hoạch cải cách tư pháp sang tháng 4. Điều này khiến các quan chức chính quyền Tổng thống Biden hy vọng nhà lãnh đạo Israel sẽ nhượng bộ phe phản đối kế hoạch cải tổ.

Vì thế khi căng thẳng bắt đầu leo thang, cả Tel Aviv và Washington đều tìm cách hạ nhiệt.

biden netanyahu anh 3

Người biểu tình Israel phản đối kế hoạch cải cách tư pháp. Ảnh: Reuters.

"Điều tuyệt vời nhất về tình bạn đó là chúng ta không phải luôn đồng ý với mọi thứ bạn bè ta nói hay làm. Điều tuyệt vời của một tình bạn khăng khít là chúng ta có thể thẳng thắn với nhau", John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.

Phát biểu tại hội nghị về dân chủ hôm 29/3, Thủ tướng Netanyahu khẳng định Israel và Mỹ từng có những bất đồng trong quá khứ.

"Nhưng tôi muốn khẳng định rằng liên minh giữa hai nước là không gì lay chuyển. Không điều gì có thể thay đổi thực tế ấy", ông Netanyahu nói.

Trong nội bộ nước Mỹ, Tổng thống Biden cũng đứng trước sức ép liên quan các khu định cư của người Do Thái trên lãnh thổ Palestines. Hôm 9/3, 92 nghị sĩ Dân chủ gửi thư kêu gọi Tổng thống Biden "sử dụng mọi công cụ ngoại giao hiện có để ngăn chính phủ Israel" phá hoại giải pháp hai nhà nước ở Palestine.

Vấn đề khu định cư của người Do Thái từ lâu đã là điểm đen trong quan hệ hai nước. Chính quyền Tổng thống Biden nhiều lần hối thúc liên minh cầm quyền tại Israel kiềm chế hoạt động định cư tại Bờ Tây sông Jordan nhưng không mấy thành công.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thẳng thừng chỉ trích việc chính phủ Israel thông qua luật mới cho phép người định cư Do Thái quay trở lại các khu định cư ở Bờ Tây và dải Gaza nơi họ bị yêu cầu rời đi năm 2005, quyết định này được coi là sự khiêu khích với người Palestines.

Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ "cực kỳ quan ngại", gọi luật mới là quyết định "đặc biệt khiêu khích và phản tác dụng" trong bối cảnh làn sóng bạo lực giữa Israel và Palestine đang dâng cao.

Daniel Kurtzer, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, cho rằng ngay cả khi Thủ tướng Netanyahu nhượng bộ về kế hoạch cải cách tư pháp, ông vẫn sẽ đứng trước sức ép thi hành những quyết sách gây tranh cãi hơn về các khu định cư nhằm chiều lòng phe cực hữu trong liên minh cầm quyền.

Các chuyên gia nhận định nếu Thủ tướng Netanyahu thỏa hiệp về kế hoạch cải cách tư pháp và xoa dịu các cuộc biểu tình, Washington có thể quay trở lại với những phản ứng kín đáo hơn sau hậu trường.

Nhưng nếu kế hoạch cải cách tư pháp tiếp tục dẫn tới biểu tình lan rộng hơn nữa, chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ phải hành động quyết liệt hơn bởi sức ép của phe Dân chủ.

Hôm 29/3, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết quan chức hai nước vẫn duy trì liên hệ thường xuyên bất chấp những bất đồng. Nhà Trắng nhắc lại hy vọng của Tổng thống Biden rằng chính phủ Israel sẽ tìm ra một giải pháp thỏa hiệp cho kế hoạch cải cách tư pháp, đồng thời nói thêm Mỹ không định can thiệp vào chính trị nội bộ của Israel.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Quốc hội Israel hoãn kế hoạch cải tổ

Các cuộc thảo luận về kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp sẽ được hoãn sang kỳ họp tiếp theo của quốc hội Israel, dự kiến tổ chức vào tháng 4.

Thủ tướng Netanyahu mất kiểm soát?

Khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Israel đang ngày càng trở nên tồi tệ, Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị đồng minh phương Tây quay lưng, trong khi nội bộ bắt đầu lục đục.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm