Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đằng sau mục tiêu tăng trưởng 'khoảng 5%' năm 2023 của Trung Quốc

Việc Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 ở mức "khoảng 5%", được đánh giá là khá khiêm tốn, có thể là một dấu hiệu cho thấy sự cẩn trọng của giới lãnh đạo nước này.

Thành phố Thượng Hải, một trong những đầu tàu kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc họp báo đầu tiên vào hôm 13/3 sau khi trở thành thủ tướng Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc, ông Lý Cường cho biết việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" sẽ không phải một nhiệm vụ dễ dàng khi GDP của Trung Quốc trong năm 2022 đã vượt mốc 17.800 tỷ USD, một xuất phát điểm cao.

Theo Caixin, tân Thủ tướng Lý Cường cũng cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức mới trong năm nay.

Theo nhận định của ông, tình hình kinh tế toàn cầu trong năm 2023 không có nhiều dấu hiệu khả quan và việc ổn định tăng trưởng sẽ là thách thức với nhiều quốc gia.

Mục tiêu khiêm tốn

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đánh giá mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 khá khiêm tốn và thực tế, do nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được dự báo sẽ đạt tốc độ phát triển trên 5% trong năm 2023. Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 3% trong năm 2022, mức thấp nhất trong vòng 4 thập kỷ ở quốc gia Đông Á.

Tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng bất động sản cũng như việc giảm nhu cầu xuất khẩu.

Nền kinh tế đã cho thấy một số dấu hiệu hồi phục sau khi chi tiêu của người dân tăng lên vào năm nay. Bên cạnh đó, giá nhà mới tại Trung Quốc cũng bắt đầu ổn định trong tháng 2, một chỉ dấu cho thấy các biện pháp của chính phủ nhằm củng cố thị trường bất động sản đang phát huy hiệu quả tại một số thành phố.

Các chuyên gia kinh tế đang nâng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc với một số người nhận định quốc gia này có thể đạt mức 5,8%. Ngân hàng đầu tư UBS gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc lên 5,4% từ mức 4,9%. Trong khi đó, ngân hàng Morgan Stanley đã dự đoán quốc gia Đông Á sẽ đạt mức tăng 5,7% trong năm nay.

Trong báo cáo chính phủ cuối cùng được đệ trình hôm 5/3, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP. Trong báo cáo này, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc ổn định tăng trưởng, thị trường việc làm và giá cả là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc. Bên cạnh đó là quản lý rủi ro từ thị trường bất động sản, các khoản nợ của chính phủ địa phương và của những thực thể tài chính khác.

Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu đã phải đánh giá nhiều yếu tố rủi ro khi quyết định mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc.

kinh te Trung Quoc anh 1

Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong cuộc họp báo ngày 13/3. Ảnh: Reuters.

Trả lời Caixin, một số nguồn tin cho biết dù mục tiêu tăng trưởng kinh tế thường được công bố vào tháng 3 tại cuộc họp của Đại hội Đại biểu nhân dân (Quốc hội) Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), con số này đã được quyết định từ trước tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC), khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt tại CEWC vào năm 2022, Trung Quốc vừa từ bỏ chính sách "Zero Covid-19" của mình.

Tại thời điểm này, các chuyên gia vẫn đang bàn luận về tình hình kinh tế Trung Quốc trong năm 2023, trong đó những yếu tố như tốc độ lan nhanh của dịch bệnh sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ đã được tính tới.

Trọng tâm ổn định tăng trưởng và thị trường việc làm trong báo cáo làm việc của chính phủ Trung Quốc năm 2023 cũng phù hợp với các ưu tiên được đặt ra tại CEWC, trong đó cũng bao gồm phát triển chất lượng cao.

Tạo khoảng trống cho phát triển chất lượng cao

Tại cuộc họp báo ngày 13/3, Thủ tướng Lý Cường cho biết hiện nay, sự phát triển của Trung Quốc chỉ là giải quyết vấn đề “có hay không”, tiếp theo cần coi trọng giải quyết vấn đề “tốt hay không”, đặc biệt là năng lực sáng tạo công nghệ cao, xây dựng hệ thống sản xuất hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi phát triển xanh.

Trong báo cáo vào đầu tháng 3, đội ngũ được lãnh đạo bởi ông Zhong Zhengsheng, chuyên gia kinh tế đứng đầu tại công ty tài chính Ping An Securities, cho biết biết việc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn sẽ tạo chỗ trống cho hoạt động phát triển chất lượng cao.

Báo cáo nhận định mục tiêu tăng trưởng kinh tế lần này của Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy nước này sẽ chú trọng vào việc phát triển kinh tế theo hướng vững chắc và chậm rãi trong thập kỷ tới.

kinh te Trung Quoc anh 2

Một công nhân xây dựng đang làm việc ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Theo đánh giá của các chuyên gia được lãnh đạo bởi Lu Ting, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại tập đoàn tài chính Nomura Holdings của Nhật Bản, "mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh tương đối thận trọng nhưng là một đề xuất mang tính thực dụng giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi một cách an toàn và tự nhiên sau đại dịch".

Chính sách mở cửa của Bắc Kinh cho đến nay cũng không bao gồm những gói kích thích kinh tế lớn. Ông Lu Ting cùng đồng nghiệp dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng 5,3% trong năm 2023.

Đối với mục tiêu về việc làm, chính phủ của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đặt mục tiêu tạo ra khoảng 12 triệu việc làm mới tại các khu vực đô thị trong năm nay, đồng thời giữ tỉ lệ thất nghiệp tại các thành phố ở mức 5,5%. Vào năm 2021, con số này là 11 triệu việc làm mới với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 5,5%.

Theo chuyên gia kinh tế vĩ mô của công ty môi giới tài chính Huachuang Securities, Zhang Yu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay có một mức độ linh hoạt nhất định và tình hình thị trường việc làm sẽ là một nhân tố quan trọng để hiện thực hóa tham vọng phát triển kinh tế.

Trong báo cáo hôm 5/3, bà Zhang Yu dự báo nếu tỉ lệ thất nghiệp trong nửa đầu năm 2023 ở mức tệ hơn nhiều so với một năm trước đó, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế lớn để đẩy mạnh tăng trưởng.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Những ứng viên tiềm năng điều hành kinh tế Trung Quốc

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa XIV được cho là thời điểm để nước này vạch ra mục tiêu kinh tế ngắn và dài hạn, nhằm thu hút đầu tư thời kỳ phục hồi sau Covid-19.

4 người dự kiến chỉ huy nền kinh tế Trung Quốc

Bốn cái tên được đề cử giữ các chức vụ chỉ huy nền kinh tế Trung Quốc có hồ sơ và kinh nghiệm làm việc trái ngược với những người tiền nhiệm.

An Bình

Bạn có thể quan tâm