Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

4 người dự kiến chỉ huy nền kinh tế Trung Quốc

Bốn cái tên được đề cử giữ các chức vụ chỉ huy nền kinh tế Trung Quốc có hồ sơ và kinh nghiệm làm việc trái ngược với những người tiền nhiệm.

trung quoc kinh te anh 1

Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phê chuẩn danh sách đề cử các chức danh chủ chốt trong chính phủ, chuẩn bị trình Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn trong kỳ họp tới dự kiến bắt đầu từ ngày 5/3, theo Tân Hoa xã.

Chính phủ Trung Quốc được dự báo có những thay đổi nhân sự lớn, nổi lên là 4 quan chức quản lý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gồm các ông Lý Cường, Đinh Tiết Tường, Hà Lập Phong, Chu Hạc Tân, lần lượt được đề cử giữ các chức vụ thủ tướng, phó thủ tướng thường trực, phó thủ tướng phụ trách tài chính và thống đốc Ngân hàng Trung ương.

Bốn chức danh dự kiến được Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn trong cuộc họp tới đây là nỗ lực của Bắc Kinh trong phát triển kinh tế của đất nước.

trung quoc kinh te anh 2

Các nhân vật được đề cử giữ các chức danh chủ chốt phụ trách nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Khác với những người tiền nhiệm, 4 ứng cử viên lãnh đạo này đều không du học ở phương Tây, đồng thời chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế.

Mọi con mắt của giới quan sát hiện dõi theo các nhân vật mới cũng như cách họ định hình chính sách của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt không ít khó khăn, như tiêu dùng giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng, thị trường nhà ở suy thoái, gánh nặng nợ công của các chính quyền địa phương, già hóa dân số cùng các lệnh trừng phạt công nghệ của phương Tây.

Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức 3%, thấp nhất trong hàng thập kỷ. Quốc hội Trung Quốc dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng lớn hơn nhiều con số 3% nói trên, và nhiệm vụ của đội ngũ lãnh đạo mới là đưa đất nước đạt được mục tiêu này.

Ông Lý Cường

Trước khi về trung ương, ông Lý Cường là bí thư thành ủy Thượng Hải, chịu trách nhiệm chính trong hai đợt phong tỏa chống dịch. Ông Lý trở thành nhân vật quyền lực thứ hai trong Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc sau Đại hội XX tổ chức hồi tháng 10/2022.

Với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường dự kiến về hưu trong kỳ họp Quốc hội tới, ông Lý Cường sẽ trở thành tân thủ tướng của Trung Quốc, vị trí thường chịu trách nhiệm quản lý nền kinh tế.

trung quoc kinh te anh 3

Ông Lý Cường. Ảnh: AP.

Ông Lý Cường sinh tại Chiết Giang, từng làm công nhân tại một trạm tưới tiêu. Ông tốt nghiệp ngành cơ giới hóa nông nghiệp tại Ninh Ba. Từ đây, ông bắt đầu thăng tiến trong bộ máy chính quyền của tỉnh. Sự nghiệp chính trị của Lý Cường cất cánh mạnh mẽ sau thời gian ông làm trợ lý của ông Tập Cận Bình giai đoạn 2002-2007, khi đó ông Tập là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.

Nếu được Quốc hội phê chuẩn, ông Lý sẽ trở thành thủ tướng đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông mà không có kinh nghiệm làm việc trong nội các.

Một số chuyên gia nhận định phong cách thực dụng, ủng hộ doanh nghiệp khi làm lãnh đạo Thượng Hải là chìa khóa giúp ông Lý ngồi vào ghế thủ tướng.

Ông Đinh Tiết Tường

Chánh văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đinh Tiết Tường dự kiến trở thành phó thủ tướng thường trực, các chuyên gia nhận định dựa vào thứ tự của ông trong danh sách Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc.

Ở tuổi 60, ông Đinh chưa từng có kinh nghiệm quản lý cấp tỉnh hay hoạch định chính sách kinh tế. Trên cương vị mới, ông Đinh sẽ phụ trách toàn diện kinh tế đối nội, đặc biệt chính sách tài khóa.

trung quoc kinh te anh 4

Ông Đinh Tiết Tường. Ảnh: AP.

Ông Đinh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Giang Tô. Chính trị gia này tốt nghiệp ngành luyện kim tại Viện Máy móc công nghiệp nặng Đông Bắc. Ông Đinh bắt đầu sự nghiệp tại Viện nghiên cứu vật liệu Thượng Hải, từ cấp chuyên viên lên tới phó bí thư đảng ủy.

Sau đó, ông Đinh được bầu vào thành ủy Thượng Hải, trước khi trở thành trợ lý của ông Tập trong thời gian ông Tập làm bí thư thành ủy thành phố năm 2007. Năm 2013, ông Đinh được điều động về Bắc Kinh làm thư ký riêng cho Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Hà Lập Phong

Ông Hà Lập Phong hiện là chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Nhiều khả năng chính trị gia 68 tuổi này sẽ được bổ nhiệm làm phó thủ tướng phụ trách kinh tế, tài chính, công nghiệp, tập đoàn tư vấn Nomura nhận định.

Chức danh mà ông Hà dự kiến được bổ nhiệm hiện thuộc về Phó thủ tướng Lưu Hạc. Ông Lưu Hạc từng dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc trong các cuộc thảo luận về thương mại với Mỹ năm 2018 và 2019. Ông Lưu là chuyên gia kinh tế tốt nghiệp Đại học Harvard, được giới quan sát nhận định là "cầu nối giữa phương Đông và phương Tây.

trung quoc kinh te anh 5

Ông Hà Lập Phong. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Hà Lập Phong tốt nghiệp chuyên ngành tài chính tại Đại học Hạ Môn và chưa từng được đào tạo ở nước ngoài.

Ông Hà là người phụ trách dự án xây dựng quy mô lớn có tên "Manhattan của Trung Quốc" tại Thiên Tân trong thời gian ông giữ chức phó bí thư thành ủy thành phố năm 2009.

Ông Chu Hạc Tân

Một trong những chức danh then chốt sẽ được Quốc hội Trung Quốc thông qua là thống đốc ngân hàng trung ương (PBOC), phụ trách chính sách tiền tệ và giám sát hệ thống tài chính.

Người được đề cử là Chu Hạc Tân, chủ tịch tập đoàn tài chính nhà nước Citic Group. Ông Chu nhiều khả năng sẽ được thông qua để thay thế Thống đốc đương nhiệm Dịch Cương, một nhà kinh tế từng được đào tạo bài bản tại Đại học Illinois của Mỹ.

trung quoc kinh te anh 6

Ông Chu Hạc Tân. Ảnh: AP.

Ông Chu dành phần lớn sự nghiệp làm việc tại Ngân hàng Viễn thông Trung Quốc ở tỉnh Giang Tô. Ông Chu cũng có thời gian ngắn làm phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên giai đoạn 2016-2018.

Sau thời kỳ ở Tứ Xuyên, ông Chu được điều động về Bắc Kinh, giữ chức phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, trước khi chuyển sang làm lãnh đạo Citic Group năm 2022. Khác với Dịch Cương, ông Chu không có nhiều kinh nghiệm làm việc với các đối tác nước ngoài.

Theo Wall Street Journal, một số nguồn giấu tên cho biết ông Hà Lập Phong có thể kiêm nhiệm chức danh bí thư đảng ủy Ngân hàng Trung ương.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Vì sao làn sóng cấm cửa TikTok lan rộng?

Làn sóng cấm TikTok đang lan rộng ở phương Tây do những lo ngại về nguy cơ gián điệp, đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng mà ứng dụng này mang lại.

Hai trọng tâm được kỳ vọng tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc

Giới chuyên gia nhận định ổn định kinh tế và tự chủ công nghệ là hai trọng tâm sẽ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong phiên họp quan trọng vào tháng 3.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm