Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đằng sau các 'ca sốt' trong đợt bùng dịch tại Triều Tiên

Chia sẻ với Zing, các chuyên gia y tế nhận định Triều Tiên không nên chỉ tập trung vào “ca sốt”.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 1

Nhân viên y tế khử trùng một địa điểm ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Khi được hỏi về nguyên nhân Triều Tiên sử dụng từ “ca sốt” trong đợt bùng dịch, giáo sư Jin Dong Yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), chia sẻ “đó là cách để họ xác định người bệnh”.

Theo ông, khi Triều Tiên thực hiện xét nghiệm trên một nhóm nhỏ, nhiều người trong số họ cho kết quả dương tính với nCoV. Vì vậy, ông Jin cho rằng không loại trừ khả năng đợt bùng phát dịch đã xảy ra ở nước này trước đó.

Đồng tình với cách lý giải này, tiến sĩ Siddharth Sridhar, khoa vi sinh của Đại học Hong Kong, cho biết: “Từ những thông tin ít ỏi hiện có, dường như đợt dịch đã lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng ở Triều Tiên”.

Triều Tiên lần đầu ghi nhận đợt bung phát dịch Covid-19 vào ngày 12/5, sau hơn 2 năm không báo cáo ca mắc nào. Hôm 20/5, quốc gia này đã công bố hơn 260.000 "ca sốt", nâng tổng số trường hợp vượt mốc 2 triệu.

Sau khi Bình Nhưỡng công khai về đợt bùng phát vào ngày 12/5, nhà lãnh đạo Kim Jong Un bắt đầu tham dự các cuộc họp khẩn cấp gần như mỗi ngày.

Ông ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc, triển khai quân đội để cung cấp thuốc và công khai chỉ trích các quan chức vì phản ứng thiếu hiệu quả trong phòng chống dịch, đặc biệt là việc không mở cửa các hiệu thuốc 24/7.

“Năm 1968, đại dịch cúm H3N2 bắt đầu ở Trung Quốc giống như (dịch Covid-19) ở Triều Tiên hiện nay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn vượt qua. Triều Tiên cũng sẽ vượt qua”, giáo sư Jin nhận định về lâu dài.

Không nên chỉ tập trung vào các “ca sốt”

Theo giáo sư Jin, Triều Tiên khó có thể ngăn chặn được đợt bùng phát dịch nghiêm trọng này nếu chỉ tập trung vào những “ca sốt”.

“Vì nhiều người không có triệu chứng và họ có thể đã lây truyền virus cho người khác”, giáo sư Jin nói với Zing.

Bên cạnh đó, giáo sư Jin cho rằng khó có thể biết được Covid-19 đã lan truyền vào nước này bằng con đường nào. Nguyên nhân khả dĩ nhất có lẽ là những người vượt biên trái phép vào Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020 và chưa từng báo cáo ca nhiễm nào kể từ đầu đại dịch.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến kiểm tra một hiệu thuốc ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Do Triều Tiên thiếu vắng chương trình tiêm chủng quốc gia và thuốc điều trị Covid-19, truyền thông Triều Tiên đã khuyến khích bệnh nhân bị “sốt” dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, cũng như những phương thuốc tại gia như nước súc họng, uống trà kim ngân hoa hay trà lá liễu.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA còn cho biết các nhà máy đang sản xuất thêm xilanh, thuốc, nhiệt kế và các vật tư y tế khác “với tốc độ chớp choáng” tại thủ đô Bình Nhưỡng và những vùng xung quanh, trong khi nhà chức trách đang dựng thêm nhiều khu cách ly và tăng cường khử khuẩn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Triều Tiên đã từ chối đề nghị hỗ trợ từ Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời từ chối đề nghị cung cấp thêm dữ liệu đại dịch từ WHO.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 3

Thủ đô Bình Nhưỡng trong cảnh phong tỏa. Ảnh: KCNA.

Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 khiến tình hình trầm trọng hơn. Nền kinh tế Triều Tiên suy giảm 4,5% vào năm 2020 - mức giảm lớn nhất trong 23 năm, theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc.

Chính quyền Bình Nhưỡng từng thừa nhận tình trạng “thiếu nhân viên y tế có năng lực và các loại thuốc thiết yếu, cũng như trình độ kỹ thuật thấp của các nhà máy dược phẩm và thiết bị y tế”, trong một báo cáo đệ trình lên Liên Hợp Quốc vào năm 2021. Các hiệu thuốc cũng được báo cáo là thiếu vật tư y tế và phương tiện bảo quản, bệnh viện thiếu điện và thiếu hệ thống sưởi.

Đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Sridhar, giáo sư Jin Dong Yan hy vọng rằng Trung Quốc và Hàn Quốc có thể giúp cung cấp lương thực và các sản phẩm thiết yếu khác.

“Hong Kong không phong tỏa và cũng không tiến hành xét nghiệm PCR bắt buộc trên diện rộng. Bài học lớn nhất từ Hong Kong là việc tiêm phòng cho người lớn tuổi”, chuyên gia Jin, người đang làm việc tại Đại học Hong Kong, cho biết.

Triều Tiên trông cậy thuốc cổ truyền để chữa Covid-19

Để đối phó với đợt bùng dịch nghiêm trọng, bên cạnh việc áp lệnh cách ly, phong tỏa, Triều Tiên đã điều quân đội hỗ trợ và khuyến khích người dân dùng những bài thuốc cổ truyền.

Số 'ca sốt' ở Triều Tiên vượt mốc 2 triệu

Triều Tiên công bố hơn 260.000 "ca sốt" ngày 20/5, với tổng số trường hợp vượt mốc 2 triệu, 8 ngày sau khi nước này xác nhận đợt bùng phát virus đầu tiên.

Vân Đinh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm