Sáng 14/3, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức dâng hương tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Đoàn đã tham quan khu trưng bày kỷ vật liên quan các liệt sĩ, bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Bà Nguyễn Thị Hường (60 tuổi) vượt hơn 1.000 km từ Nghệ An vào đài tưởng niệm Gạc Ma để làm giỗ cho em trai là liệt sĩ Nguyễn Tất Nam (sinh năm 1967) cùng 63 liệt sĩ khác.
"Ngày 10/3/1988, tôi nhận lá thư của em trai và cũng là lần cuối cùng em tôi viết thư cho gia đình", bà Hường nghẹn ngào.
Bà Hường từ Nghệ An vào Khánh Hòa để làm mâm cơm cúng giỗ cho em trai. Ảnh: An Bình. |
Là con thứ hai trong gia đình có ba anh em, liệt sĩ Nguyễn Tất Nam ngày đi lính còn dặn hết nhiệm vụ sẽ trở về cùng bà Hường chăm sóc người em út nên người...
"Đã 34 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh về đứa em trai vẫn luôn hằn in. Thắp nén nhang mong em cùng anh em đồng đội thấy ấm lòng, vì không ai quên tụi các em cả", bà Hường nói.
Bà Nguyễn Thị Anh, Phó giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết trong 2 ngày 12-13/3, đã có hơn 350 người từ nhiều đoàn khác nhau tới thăm viếng khu tưởng niệm. Tính từ đầu năm tới nay, khu tưởng niệm Gạc Ma đón trên 2.400 khách.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cùng nhiều đoàn đến thắp hương, tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma. Ảnh: An Bình. |
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 7/2017. Nơi đây lưu giữ nhiều di ảnh, bút tích của các chiến sĩ cũng như diễn biến trận chiến rạng sáng 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma.
Công trình gồm cụm tượng đài Những người nằm lại phía chân trời; khu trưng bày hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ; quảng trường Hòa Bình; khuôn viên cây cảnh...
Những năm qua, khu tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương. Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, từ tháng 7/2017 đến nay, hơn 1.000 đoàn với gần 300.000 lượt khách đã đến tham quan, viếng, dâng hương tưởng niệm.
Ngày 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ghi trong sổ lưu niệm, Thủ tướng viết: “Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam”.
Ngày 14/3/1988, quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lực lượng hải quân Việt Nam đã anh dũng bảo vệ đảo. Trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.