Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹ liệt sĩ Gạc Ma: Nếu lựa chọn lại, tôi vẫn cho con theo binh nghiệp

"Chiến tranh thì phải có đau thương, mất mát. Nếu bây giờ cho tôi lựa chọn lại, tôi vẫn quyết định để nó theo đường binh nghiệp để bảo vệ non sông", mẹ Lê Thị Muộn chia sẻ.

Bức thư cuối cùng của liệt sỹ Gạc Ma gửi mẹ trước ngày hy sinh Ngày giỗ liệt sĩ Lê Thế, bà Trần Thị Huệ (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lại lấy bức thư con trai gửi về 30 năm trước ra đọc cho vơi nỗi nhớ.

Ngày 14/3, Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988 đã tổ chức lễ tưởng niệm 30 năm trận hải chiến tại đảo Gạc Ma và tri ân, tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988.

Đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm, đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn 83 Quân chủng Hải quân) cho biết sự kiện ngày 14/3/1988 chỉ là đỉnh điểm của một chiến dịch mà kịch bản đã được Trung Quốc tính toán, triển khai nhằm thực hiện quyết tâm chiếm quần đảo Trường Sa.

Trong trận chiến không cân sức ấy, những chiến sĩ của ta chủ yếu tự vệ để bảo vệ đảo. Còn phía Trung Quốc với sự trang bị vũ khí hiện đại đã nhẫn tâm xả nhiều loạt đạn vào 3 chiếc tàu HQ khiến 64 thanh niên, có tuổi đời còn rất trẻ hy sinh.

Tuong niem cac liet si hy sinh trong tran chien gac ma anh 1
Các chiến sĩ Hải quân chuẩn bị vòng hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Ảnh: Đoàn Nguyên.

64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ khác bị thương, máu, thân xác của các anh đã hòa cùng dòng biển. Tấm gương dũng cảm mưu trí để bảo vệ chủ quyền của các anh mãi mãi là thiên sử anh hùng, bất diệt. Sự kiện 14/3/1988 cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ đến cùng tất đất, sải biển thiêng liêng của tổ quốc.

"Xin một lần nữa vinh danh các anh 64 liệt sĩ đã hi sinh ngày 14/3/1988. Chúng tôi xin hứa cùng đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau sẽ quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thương yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc”, đại tá Lập nhấn mạnh.

'Cho con đi bộ đội là quyết định sáng suốt'

Ngày 14/3 năm nay, bà Lê Thị Muộn (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) không thể đến dự lễ tưởng niệm vì gia đình làm giỗ cho cả con trai và chồng. Bà nói rằng ngày này 30 năm trước, họng súng kẻ thù đã cướp đi tính mạng của đứa con trai tên Phan Văn Sự. Lúc này, chàng trai mới 21 tuổi.

Mẹ liệt sĩ Gạc Ma nghẹn ngào nhìn di ảnh trong ngày giỗ con trai Ngày giỗ liệt sĩ Phan Văn Sự, bà Lê Thị Muộn (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) lại lấy di ảnh con trai ra nhìn cho vơi bớt nỗi nhớ.

Nghe tin con trai hy sinh ở đảo Gạc Ma, cha anh Sự là Phan Văn Bé, chồng bà Muộn, đang điều trị bệnh phổi suy sụp và qua đời. "Từ đó đến nay, cứ đến ngày này tôi lại phải làm cơm cho cả hai cha con nó", bà Muộn nghẹn ngào.

Mẹ của liệt sĩ kể năm 1988, dù mới học lớp 10 nhưng anh Sự rất thích đi bộ đội. Dù biết vào binh nghiệp là khó khăn, gian khổ nhưng bà và mọi người luôn tôn trọng quyết định của con trai.

"Chiến tranh thì phải có đau thương, mất mát. Nếu bây giờ cho tôi lựa chọn lại, tôi vẫn quyết định để nó theo đường binh nghiệp để bảo vệ non sông", mẹ Muộn nói với Zing.vn.

Bà Trần Thị Huệ (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng nói rằng, khi nghe tin người con trai Lê Thế hy sinh tại Gạc Ma, mọi người trong gia đình suy sụp.

Tuong niem cac liet si hy sinh trong tran chien gac ma anh 2
Mẹ Huệ thắp hương cho con trai. Ảnh: Giáp Hồ.

Người mẹ này cũng nói rằng nếu bây giờ cho bà lựa chọn, bà vẫn cho Thế ra khơi giữ đảo. "Đất nước này rất cần những thế hệ trẻ gánh vác trách nhiệm xây dựng quê hương, giữ vững các hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc", bà Huệ nhắn nhủ.

Cựu binh, thân nhân dự lễ tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma ở Quảng Bình

Sáng 14/3, UBND phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) tổ chức Lễ tri ân, tưởng nhớ liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 1988 tại nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc. Gần 20 người là cựu binh Gạc Ma, thân nhân các liệt sĩ đã về tham dự lễ, đứng trang nghiêm bên mộ anh hùng Trần Văn Phương. 

Bà Hồ Thị Đức (81 tuổi, mẹ liệt sĩ Phương) ngồi bên cạnh mộ con trai, tay cầm nén hương run run, ứa lệ. "Tôi rất tự hào, vì có con trai đã hy sinh vì nước", bà nói.

Tuong niem cac liet si hy sinh trong tran chien gac ma anh 3
Anh Lê Hữu Thảo, cựu binh Gạc Ma thăm hỏi mẹ liệt sĩ Trần Văn Phương. Ảnh: Văn Được.

Quảng Bình là quê hương của 14 liệt sĩ trong 64 chiến sĩ đã hy sinh ở trận chiến Gạc Ma 1988. Ban liên lạc tàu HQ 604 do cựu binh Lê Hữu Thảo làm trưởng ban chọn Quảng Bình là điểm đến của các cựu binh Gạc Ma tập trung vào ngày 14/3 hàng năm để dự lễ tưởng nhớ bên mộ liệt sĩ, anh hùng Trần Văn Phương. 

"Sau trận chiến, tôi là người trực tiếp đưa thi thể anh Phương về đảo Cô Lin. Hình ảnh đồng đội hy sinh sẽ là ký ức mãi không quên trong suốt cuộc đời tôi", cựu binh Hữu Thảo (53 tuổi) cho biết. 

Liệt sĩ Trần Văn Phương chính là người giữ lá cờ Tổ quốc trước khi hy sinh do bị quân Trung Quốc bắn và đâm lưỡi lê vào người trong trận Gạc Ma. Trước khi chết, anh đã nói câu nói nổi tiếng: "Thà hy sinh chứ không để mất đảo...". Đầu năm 1989, liệt sĩ Trần Văn Phương vinh dự được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988, cho biết ngày 14/3/2018 trùng với ngày 27/1 (âm lịch) của 30 năm về trước.

"Đây là một điều hết sức thiêng liêng, thôi thúc anh em ban liên lạc tổ chức lễ tưởng niệm với đông đảo anh em đồng đội, thân nhân các gia đình liệt sĩ để tri ân, tưởng nhớ đồng đội", ông Tấn cho hay.

Hoa đăng gửi tới Gạc Ma và ngọn lửa trong lòng người ở lại

30 năm qua, Gạc Ma là nỗi đau nhưng cũng là ngọn lửa, là động lực thôi thúc những người ở lại sống tiếp cuộc đời tươi đẹp dang dở của các anh.

Mẹ chiến sĩ Gạc Ma: 'Các con nằm lại nhưng sống mãi trong mọi người'

“30 năm rồi, nhớ con, thương con và chắc các con lạnh lắm nhưng dù có nằm lại, các con vẫn sống mãi trong mọi người”, mẹ liệt sĩ Gạc Ma nghẹn ngào.




Đoàn Nguyên - Giáp Hồ - Văn Được

Bạn có thể quan tâm