Sáng sớm 14/3, hàng trăm người đến thắp nhang tưởng nhớ những anh hùng đã dũng cảm hy sinh trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Cựu binh Lê Minh Thoa (53 tuổi, quê Bình Định) cho biết ông có mặt ở đây từ ngày 13/3. “Mỗi lần đến đây, những ký ức về các đồng đội, về Gạc Ma lại ùa về. Các đồng đội hãy yên nghỉ, anh em không bao giờ quên mọi người”, ông tâm sự.
Ở quê nhà, cựu binh Lê Minh Thoa mở một quán phở mang tên Trường Sa với mong muốn bất kỳ ai đến quán đều được giới thiệu về một cái tên đặc biệt - nơi ông cùng đồng đội đã một thời hy sinh xương máu.
Cựu binh Lê Minh Thoa (bìa trái) đến thăm khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: V.G. |
Cô giáo Đặng Thị Hà Loan cùng đồng nghiệp đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma từ 7h. Cô cho biết năm nào đến ngày 14/3 đều đến đây để thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã ngã xuống. “Các anh là tấm gương cho nhiều thế hệ chúng tôi học tập về lòng quả cảm, tình yêu mãnh liệt với Tổ quốc”, cô Loan xúc động chia sẻ.
Là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, ông Đào Ngọc Tùng (nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ đến hôm nay, lòng ông cảm thấy mãn nguyện khi nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến nơi này.
Theo ông, khu tưởng niệm là nơi "để các anh về" và cũng là nơi đồng đội và người dân có thể đến xem lại những kỷ vật của trận hải chiến ngày 14/3/1988. “Khu tưởng niệm là bức tranh thu nhỏ của một cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc hào hùng ở Gạc Ma”, ông Tùng chia sẻ.
Còn ông Trần Thanh Hải (Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết thời gian tới, Tổng liên đoàn Lao động mong muốn khu tưởng niệm Gạc Ma sẽ được mở rộng thêm về kỷ vật, sự kiện để trở thành một khu Trường Sa thu nhỏ.
Nhiều người đến dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: A.B. |
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 7/2017. Nơi đây lưu giữ nhiều di ảnh, bút tích của các chiến sĩ cũng như diễn biến trận chiến rạng sáng 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma.
Công trình gồm cụm tượng đài Những người nằm lại phía chân trời; khu trưng bày các hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma; quảng trường Hòa Bình; khuôn viên cây cảnh...
Những năm qua, khu tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương. Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, từ tháng 7/2017 đến tháng 2/2021, nơi đây đã đón 2.350 đoàn với hơn 220.000 lượt khách đến viếng, dâng hương.
Ngày 14/3/1988, quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lực lượng hải quân Việt Nam đã anh dũng bảo vệ đảo. Trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.