Dân Trung Quốc đổ về đàn tế trời ở Bắc Kinh để chữa bệnh
Thứ hai, 3/7/2017 11:39 (GMT+7)
11:39 3/7/2017
Nhiều người vẫn kéo về con đường thần đạo ở khu di tích Thiên Đàn để "hấp thu linh khí đất trời", tin rằng việc này có tác dụng chữa bệnh, bất chấp sự bác bỏ của báo chí.
Những ngày này, nhiều người kéo đến di tích Thiên Đàn, một trong 4 đàn tế nổi tiếng thời phong kiến ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo trang tin 163, họ đến đây với niềm tin rằng đường thần đạo ở đây có tác dụng chữa bách bệnh.
Người dân đủ mọi độ tuổi nằm dọc theo con đường lát đá bạch ngọc ở chính giữa cầu Đan Bệ, bất chấp những người khác đi lại ở hai bên. Thậm chí, khi mặt trời đã lặn, nhiều người vẫn tập trung ở đây, cứ cách 2-3 m lại có một nhóm thành viên gia đình ngồi, nằm.
Một đoạn video ghi lại cảnh tượng cũng được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc. "Sức khỏe tinh thần và thể chất của tôi đều tốt. Và đó là nhờ vào việc nằm trên con đường đá này", một người đàn ông 72 tuổi không rõ tên nói trong video.
Một quản lý ở khu du tích cho hay việc mọi người đến nằm la liệt trên cầu Đan Bệ là chuyện thường thấy trong mùa hè. Nhiều người tin rằng việc "hấp thụ linh khí đất trời" như vậy "còn tốt hơn cả châm cứu và có thể chữa được bách bệnh từ đau lưng đến bệnh phụ khoa".
Tuy nhiên, ban quản lý tái khẳng định loại đá trắng này chỉ là đá bình thường, hoàn toàn không có tác dụng trị liệu. Cách đây 11 năm, tờ Beijing Chenbao từng đăng bài viết bác bỏ thông tin rằng cầu Đan Bệ có thể chữa bách bệnh, khẳng định đây là chuyện hoàn toàn phi lý.
Nhiều người cảm thấy phản cảm trước cảnh một số nam giới cởi trần thản nhiên nằm trên trên lối đi ở khu di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, ban quản lý cho hay quy định không cấm du khách cởi áo dù một số hành vi thiếu văn minh khác vẫn bị phạt.
Đan Bệ Kiều dài 360 m, rộng gần 30 m, nối giữa điện Kỳ Niên và điện Hoàng Khung của quần thể Thiên Đàn. Sở dĩ gọi đây là cầu vì con đường cao hơn mặt đất vài mét và cao dần theo hướng bắc-nam, tượng trưng cho chiếc cầu bắc lên trời để hoàng đế gặp thần linh. Cầu phân làm ba lối đi: lối chính giữa tức "thần đạo" là lối đi của ngọc hoàng và thần linh, lối bên trái là "ngự đạo" dành cho vua đi và lối bên phải là "vương đạo" dành cho bá quan.
Ấn Độ cho rằng dự án làm đường của Trung Quốc tại khu vực Himalaya làm dấy lên những vấn đề an ninh nghiêm trọng trong bối cảnh 2 nước láng giềng vốn đang có quan hệ lạnh nhạt.
Trải qua hơn 3 thế kỷ, tu viện Labrang chứng kiến những thăng trầm của Phật giáo Tây Tạng cũng như tập tục Phật sống truyền thế đến nay vẫn còn là bí ẩn với các nhà khoa học.