Quá trình trùng tu Jiankou, đoạn tường thành từng bị tôn tạo bằng cách phủ xi măng trắng khiến dư luận bức xúc, gặp nhiều khó khăn do địa hình nguy hiểm và công cụ sử dụng thô sơ.
Tại một trong những đoạn tường thành nguy hiểm bậc nhất của Vạn Lý Trường Thành, đàn la thong dong dừng chân giữa cái ảm đạm của chốn núi rừng rậm rạp phủ mù sương. 7 con la, mỗi con thồ bên hông 150 kg gạch, cuối cùng cũng bước đi sau những nỗ lực cả dỗ dành và mắng mỏ của những người chủ đang muốn tới đỉnh trước khi mặt trời lên cao.
Hơn một thập kỷ qua, la trở thành phương tiện tối quan trọng cho việc phục dựng đoạn tường thành Jiankou có chiều dài 12 km, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 70 km về phía bắc. Nơi đây nổi tiếng với những vách núi dốc nguy hiểm.
"Con đường này quá dốc và những ngọn núi thì quá cao nên chỉ dùng la để chở gạch lên được", ông Cao Xinhua, một người nuôi la ở địa phương, cho biết. Ông đã làm việc 10 năm cho dự án tôn tạo Vạn Lý Trường Thành ở vùng núi phía bắc Trung Quốc.
Ở một số nơi, các công nhân dùng gạch cũ rơi ra từ bức tường thành hàng thế kỷ trước. Nếu không có thì họ phải sử dụng gạch mới được làm theo số liệu kỹ thuật chính xác. "Chúng tôi phải trung thành với mẫu nguyên bản, cả về vật liệu và kỹ thuật, như vậy mới có thể gìn giữ những giá trị lịch sử văn hóa", Cheng Yongmao, kỹ sư chỉ đạo công tác trùng tu ở Jiankou, nói.
Ông Cheng, 61 tuổi, đã tham gia sửa chữa 17 km Vạn Lý Trường Thành từ năm 2003. Ông thuộc đời thứ 16 trong một gia đình làm gạch truyền thống ở địa phương.
Jiankou được xây dựng trong thời gian từ 1551 đến 1555, những năm cuối của triều đại nhà Minh, được coi là khá mới nếu so với các đoạn tường thành khác có niên đại từ hai thiên niên kỷ trước. Phần dốc nhất của đoạn tường thành Jiankou còn được gọi là Thang thiên đường bao gồm 70 bậc đá nằm trên vách núi dốc 70 độ và cao 80 m.
Mặc dù Jiankou không được mở cửa chính thức cho công chúng, nó trở thành địa điểm hấp dẫn dành cho những du khách mê khám phá và nhiếp ảnh gia muốn thấy tình trạng ban đầu của công trình Vạn Lý Trường Thành.
Chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện quá trình tôn tạo Jiankou để gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của đoạn tường thành. Việc khôi phục bắt đầu từ năm 2005 và đang trong giai đoạn ba. Tiến độ công việc chậm do địa hình không bằng phẳng và chỉ sử dụng được các dụng cụ thô sơ như đục, búa, cuốc và xẻng. Ông Dong Yaohui, phó chủ tịch Hiệp hội Vạn Lý Trường Thành, cho biết mới chỉ 1/10 đoạn tường xây dựng từ thời nhà Minh này được trùng tu.
Năm ngoái, nhà chức trách tỉnh Liêu Ninh đã khiến dư luận bức xúc và chỉ trích khi trùng tu Jiankou bằng cách đổ xi măng trắng, khiến nó mất vẻ nguyên trạng ban đầu. Ngay sau "thảm họa" tu sửa này, Cục Quản lý Di sản văn hoá quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ điều tra bất kỳ dự án trùng tu nào thực hiện sai quy định.
Vạn Lý Trường Thành dài tới 8.851 km, còn được mệnh danh là “nghĩa trang dài nhất thế giới” vì hàng trăm nghìn người đã chết trong quá trình xây dựng. Công trình được coi là một trong những biểu tượng của văn hóa, du lịch Trung Quốc đang có nguy cơ bị biến mất do sự ảnh hưởng của thời gian, thời tiết và tác động của con người.
Trong những năm qua, Trung Quốc xây dựng hàng nghìn cây cầu nhằm củng cố cơ sở hạ tầng, bất chấp tranh cãi về tình trạng nợ công và tính hiệu quả của các công trình này.
Con tàu sắt không bóng người trôi trên biển Bình Thuận có khả năng là tàu đánh bắt hải sản cũ bị bão đánh đứt neo trôi dạt. Trên tàu có bằng khen của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc)
Ông Trump hôm 22/12 tiết lộ “bản xem trước” về nhiệm kỳ thứ 2 thông qua bài phát biểu dài 90 phút, chủ yếu nhắc tới vấn đề nhập cư, biên giới, chủ nghĩa thức tỉnh và kênh đào Panama.