Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống đảo Philippines vào năm ngoái. Ảnh: Văn phòng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai thành phố Calintaan. |
Sinh sống tại Poblacion, đảo Mindoro (Philippines), gần như ngày nào anh Andryan Pelayo cũng trở về nhà với một thùng xốp chứa đầy cá mú.
Vào một buổi sáng sớm tháng 11/2022, anh phát hiện “một con cá” lớn bất thường trên mặt nước. Nhìn mảnh kim loại dài hơn 6 m, suy nghĩ đầu tiên của người đàn ông 30 tuổi là: “Chà, cái này đáng tiền đấy”. Anh buộc mảnh kim loại vào cano và kéo nó về nhà.
Vật thể lạ này đã thu hút sự chú ý của hàng xóm. Trẻ em bò qua mảnh kim loại, ngồi lên hai đầu và chơi trò bập bênh. Cảnh sát tới và cảnh bảo mọi người không chạm vào vật thể “nguy hiểm” này.
Người dân bắt đầu tìm kiếm trên Internet và phát hiện những mảnh vỡ kỳ lạ khác cũng xuất hiện tại một ngôi làng khác nằm ở phía bắc, cũng như tại thị trấn Busuanga ở phía nam. Theo Internet, tên lửa Trung Quốc là lời giải.
Chẳng mấy chốc, tàu vũ trụ và tên lửa trở thành chủ đề trò chuyện sôi nổi của người dân địa phương, theo Wall Street Journal.
Lấy mảnh vỡ tên lửa làm mái che phòng tắm
“Chúng tôi có điện thoại di động khoảng 20 năm trước, nhưng muốn gọi điện thoại thì phải trèo lên cây”, John Erwin, cư dân 21 tuổi, nói. Tới năm 2014, ngôi làng này mới có Internet. Anh Erwin cho biết bản thân chưa bao giờ đi máy bay, nên tên lửa rơi từ trên trời xuống là điều khá xa lạ với anh và nhiều người khác.
Một ngư dân khác tên Julie Tarse cũng tìm thấy mảnh kim loại cùng ngày với anh Pelayo, nói mảnh kim loại nặng bằng bao gạo. Anh mang nó về nhà làm mái phòng tắm.
Ngày hôm sau, một ngư dân khác là Eric Fuentes phát hiện mảnh vỡ có in ký tự tiếng Quan Thoại và một phần giống cờ Trung Quốc.
Nhiều tàu vũ trụ của Trung Quốc phóng từ đảo Hải Nam, cách thủ đô Manila gần 1.000 km về phía tây bắc. Kể từ tháng 7/2022, Trung Quốc đã phóng ít nhất 6 tên lửa qua Philippines. Cơ quan vũ trụ Philippines cho biết hành động của Bắc Kinh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế vì nước này đã đưa ra cảnh báo.
Trước mỗi lần phóng, Trung Quốc ra điện văn thông báo hàng không (NOTAM), cảnh báo địa điểm các mảnh tên lửa có thể rơi xuống. Cơ quan vũ trụ Philippines thông báo cho các địa phương để quan chức thông tin cho người dân. Tuy nhiên, các ngôi làng thường không nhận được cảnh báo ngay lúc đó.
Julie Tarse mang mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc về nhà làm mái che cho phòng tắm. Ảnh: Wall Street Journal/Văn phòng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai thành phố Calintaan. |
"Được giữ làm kỷ niệm thì tốt"
Tất cả tên lửa đều rơi rớt các mảnh vỡ sau khi phóng đi. Nhiều quan chức Philippines tính toán đây là thời điểm thích hợp để cung cấp cho người dân trên các đảo kiến thức về rác vũ trụ.
Các chuyên gia cho hay khả năng bị rác vũ trụ rơi trúng gần như bằng không. Hiện thế giới chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống.
Ngày 9/11/2022, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã thu gom tất cả mảnh vỡ tên lửa, bao gồm cả những mảnh ngư dân ở Poblacion tìm thấy.
“Ước gì tôi có thể giữ nó làm kỷ niệm”, anh Pelayo nói.
Anh Tarse cũng phàn nàn khi bị lấy mất “mảnh kim loại chất lượng cao”. Anh đã dựng mảnh vỡ vào tường nhà, sau đó nhờ hàng xóm nâng nó lên và làm mái che phòng tắm. Giới chức đã tới lấy mảnh vỡ khi anh ra ngoài câu cá.
“Tôi không tức (vì bị lấy mất mái che), nhưng tôi nghĩ ít ra họ phải đợi tôi về nhà chứ”, ngư dân nói.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.