Ít nhất 12 người sẽ bị đóng đinh trên thập giá tại Philippines. Ảnh: AP. |
Các cuộc đóng đinh ngoài đời thực, diễn ra tại làng San Pedro Cutud ở tỉnh Pampanga, phía Bắc Manila, đã được nối lại sau 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Ban tổ chức cho biết ít nhất 12 người đàn ông sẽ tham gia, trong đó có họa sĩ 62 tuổi Ruben Enaje - người sẽ bị đóng đinh vào cây thập giá bằng gỗ lần thứ 34 ở Cutud và 2 ngôi làng khác gần đó.
Enaje cho biết ông sẽ tận dụng việc “đền tội phi thường” của mình - có lẽ là lần đền tội cuối cùng do tuổi tác - để cầu nguyện tiêu diệt Covid-19 và chấm dứt cuộc xung đột ở châu Âu.
Đóng đinh thật
Người cha của 4 đứa con được một số phương tiện truyền thông mô tả là một trong những người đàn ông dũng cảm nhất trên thế giới vì "chiến công" hàng năm. Tuy nhiên, ông Enaje từng chia sẻ: “Thành thật mà nói, tôi luôn lo lắng mình có thể chết trên thập giá”.
Ông Enaje chia sẻ việc gần như không bị thương khi rơi từ tòa nhà 3 tầng vào năm 1985 đã thôi thúc ông trải qua thử thách này để tạ ơn phép màu. Ông tiếp tục tham gia hoạt động này sau khi những người thân yêu lần lượt khỏi bệnh hiểm nghèo. Điều này biến ông thành người nổi tiếng tại làng với cái tên “Chúa Kitô” trong màn tái hiện Chặng Đàng Thánh Giá vào Mùa Chay.
Nghi lễ đóng đinh tại làng San Pedro, Cutud, tỉnh Pampanga, miền Bắc Philippines. Ảnh: AP. |
Trước khi bị đóng đinh trên một ngọn đồi, ông Enaje và những người sùng đạo khác, đội vương miện gai bằng cành cây, sẽ vác những cây thánh giá bằng gỗ nặng trên lưng trong hơn một km dưới cái nóng như thiêu đốt.
Các diễn viên trong làng hóa trang thành lính La Mã sau đó sẽ đóng những chiếc đinh thép không gỉ 10 cm xuyên qua lòng bàn tay và bàn chân của ông, sau đó đặt ông trên cây thánh giá dưới ánh Mặt Trời trong khoảng 10 phút.
Những người sám hối khác đi chân trần qua các con đường làng và tự đánh vào lưng trần bằng những thanh tre và mảnh gỗ sắc nhọn.
Cảnh tượng ấy phản ánh nét riêng biệt của Công giáo Philippines, nơi kết hợp truyền thống tín ngưỡng với những mê tín dân gian. Theo AP, truyền thống đẫm máu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh bị nhà thờ Công giáo bác bỏ nhưng lại thu hút rất đông tín đồ và du khách đến Philippine.
Nhiều người trong số người sám hối nghèo khổ trải qua nghi lễ chuộc tội, cầu nguyện cho người bệnh hoặc để có được cuộc sống tốt hơn, và tạ ơn những điều kỳ diệu.
Những người sám hối trùm đầu đi bộ dọc theo một con phố tại thành phố Mandaluyong, Philippines. Ảnh: AP. |
Phản đối
Các nhà lãnh đạo giáo hội Công giáo ở Philippines phản đối việc đóng đinh và hành xác, nói rằng người Philippines có thể thể hiện đức tin sâu sắc và lòng sùng kính mà không cần làm tổn thương bản thân. Thay vào đó, họ có thể làm công việc từ thiện, chẳng hạn hiến máu.
Robert Reyes, linh mục Công giáo và nhà hoạt động nổi tiếng ở nước này, cho biết nghi lễ cho thấy một số người dân chưa hiểu đầy đủ về giáo lý Công giáo, khiến họ tự mày mò để mong được thần thánh giúp chữa bệnh.
Tín ngưỡng dân gian đã ăn sâu vào văn hóa tôn giáo địa phương, ông Reyes nói, lấy ví dụ về đám rước hỗn loạn một bức tượng đen của Chúa Jesus, được gọi là Black Nazarene, vào tháng 1. Chính quyền cho biết nó thu hút hơn một triệu tín đồ mỗi năm tại một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất châu Á.
Nhiều người mang theo khăn để lau lên tượng gỗ, tin rằng tượng gỗ có khả năng chữa bách bệnh, cầu sức khỏe và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những vụ đóng đinh kéo dài hàng thập kỷ đã đưa khu vực San Pedro Cutud nghèo khó, một trong hơn 500 ngôi làng ở tỉnh Pampanga trồng lúa, xuất hiện trên bản đồ.
Các nhà tổ chức cho biết họ mong đợi khoảng 20.000 du khách nước ngoài và người Philippines, cũng như các tín đồ sẽ tập trung để đóng đinh thập giá. Khi dân làng bán rong nước đóng chai, mũ, đồ ăn và đồ tôn giáo, cảnh sát và các quan chức phụ trách nghi lễ giữ trật tự.
Johnson Gareth - nhà tổ chức tour du lịch người Anh, người đã đưa 15 du khách từ 8 quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada và Đức, đến chứng kiến cảnh đóng đinh - chia sẻ: “Họ thích điều này bởi thực sự không có gì giống thế này trên Trái Đất”.
“Nó ít khủng khiếp hơn mọi người nghĩ. Họ nghĩ rằng nó sẽ rất rùng rợn hoặc kinh khủng, nhưng không phải vậy. Nó được thực hiện một cách rất trang trọng”, ông nói.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.